Lào Cai: Phát huy tiềm năng nguồn dược liệu gắn với phát triển du lịch

Nhằm phát triển dược liệu gắn với du lịch, đặc biệt sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp.

Đồi trồng dược liệu cây cát cánh của gia đình anh Tráng Seo Khúa ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai). (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)
Đồi trồng dược liệu cây cát cánh của gia đình anh Tráng Seo Khúa ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai). (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Với đặc điểm địa hình và khí hậu vùng núi cao, tỉnh Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu.

Tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược.

Tổng diện tích dược liệu toàn tỉnh thực hiện hết năm 2023 đạt 4.105ha, tổng sản lượng thu hoạch cả năm đạt 19.000 tấn, trong đó sản lượng cây hàng năm 8.700 tấn, cây lâu năm 10.300 tấn. Giá trị ước đạt trên 400 tỷ đồng.

Dược liệu là 1 trong 5 loại cây chủ lực được tỉnh Lào Cai lựa chọn thực hiện theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với ngành du lịch, cây dược liệu đóng vai trò là sản vật của tỉnh Lào Cai, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách. Các sản phẩm từ cây dược liệu hiện được đóng gói, bao bì mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu của du khách đang trở thành món quà lưu niệm mà khách mua làm quà khi đến với Lào Cai.

3010 duoc lieu Lao Cai 2.jpg
Người dân ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà thu hoạch quế. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngoài vai trò mặt hàng lưu niệm, dược liệu đồng thời cũng được đưa vào dịch vụ, du lịch đặc biệt của tỉnh Lào Cai với sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp.

Sản phẩm dược liệu tiêu biểu được coi là “đặc sản” của địa phương đó là thuốc tắm của người Dao đỏ. Bài thuốc tắm của người Dao đỏ là sự kết hợp giữa tinh hoa của núi rừng với kiến thức y thuật và tri thức bản địa của cộng đồng người Dao. Sau bao năm chỉ trao truyền và phát huy giá trị trong cộng đồng mình, giờ đây, với sự tham gia vào khâu sản xuất và kết nối thị trường của các doanh nghiệp.

Bài thuốc tắm nổi danh này đang trở thành một sản phẩm du lịch đặc hữu của Lào Cai, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp người dân địa phương bảo tồn được sản phẩm dược liệu đặc hữu của mình.

Một số đơn vị sản xuất thuốc tắm Dao đỏ đã xây dựng riêng vùng nguyên liệu như Công ty Cổ phần Thương mại Hùng Dũng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sapanapro, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ,…

Tại các hộ homestay, các điểm du lịch cộng đồng, du khách có thể trải nghiệm tham gia quy trình hái lá thuốc, đun nước tắm. Bên cạnh đó, các công ty kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa xây dựng thương hiệu thuốc tắm người Dao đã cho ra thị trường các sản phẩm độc đáo như cao thuốc tắm, sữa tắm dược liệu, những sản phẩm này đã theo chân khách du lịch quốc tế đến với khu du lịch quốc gia Sa Pa đi các nước trên thế giới.

Ngoài thuốc tắm, thuốc ngâm chân của người Dao cũng được du khách ưu thích, được sản xuất từ hơn 100 loài cây thảo dược bản địa như chùa dù, xả, hương nhu, ông lão,… mang tinh dầu tự nhiên kết hợp hoạt chất từ bồn pơmu gỗ mang lại hiệu quả cao trong điều trị dược lý, giảm stress, giảm mệt mỏi, căng thẳng, tăng cường sức khỏe.

3010 duoc lieu Lao Cai 3.jpg
Sản phẩm dược liệu luôn hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai.

Vùng dược liệu được trồng nhiều tại huyện Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà; các sản phẩm từ dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 4 sao như Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà giảo cổ lam Sa Pa; Trà dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Cao Mềm Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa.

Bên cạnh thảo dược chăm sóc sức khỏe cũng đã có doanh nghiệp quan tâm đầu tư nghiên cứu các loại mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp từ các loại thảo dược an toàn khi sử dụng và thân thiện môi trường.

Điển hình như các loại sản phẩm son dưỡng môi, kem dưỡng ẩm, mặt nạ tía tô, sữa rửa mặt tía tô, nghệ đỏ, toner tía tô, mặt nạ hoa hồng, mặt nạ nghệ đỏ, sữa tắm, dầu gội đầu tía tô….của Hợp tác xã Sa Pa Secrets đã nghiên cứu, xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 30ha tía tô, đạt tiêu chuẩn VietGap.

Ngoài ra, thảo dược còn được dùng trong chế biến các món ăn để tăng cường sức khỏe phục vụ khách du lịch như Hoài Sơn, các loại nấm, cây lá dứa, tai chua, sen, khởi tử, bò khai, rau ngót rừng, đương quy, ngũ gia bì gai…

Một số địa phương đã xây dựng mô hình trồng thảo dược (đương quy, giảo cổ lam, khởi tử, bò khai…) gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch nhằm tăng giá trị kinh tế; các mô hình rau bản địa, rau rừng phát triển theo hướng hữu cơ được thị trường ưa chuộng, giá bán ổn định.

Ngoài giá trị chăm sóc sức khỏe, các tour tham quan vườn dược liệu đang dần trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách.

Sản phẩm du lịch từ cây thuốc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào các dân tộc.

Trong thời gian tới để định hướng cho loại hình chăm sóc sức khỏe phát triển và phát triển dược liệu gắn với du lịch, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp.

Tỉnh phát triển 22 chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế, với diện tích 3.700 ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục