Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tổ chức ngày 22/11, tại thành phố Lào Cai.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai Hà Văn Thắng, qua 10 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, tỉnh Lào Cai đã đạt một số kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy vốn quý của di sản, tạo thành sản phẩm du lịch mới, đặc hữu của tỉnh.
Những giá trị, tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Lào Cai đã được ghi nhận, biết đến với số lượng đông nhất cả nước.
Nhiều di tích trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng vạn lượt khách. Ý thức gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa dân tộc trong cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt.
Đồng bào các dân tộc chủ động trong việc hòa nhập, khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch của địa phương, góp phần nâng cao đời sống gia đình.
Trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai có thêm 23 di tích được xếp hạng, nâng tổng số di tích được xếp hạng của địa phương lên 46 di tích, trong đó có 21 di tích quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh.
[Lào Cai hòa nhịp cùng Đêm văn hóa dân gian Việt Nam-Israel]
Các di tích đã được tu bổ, phục hồi trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách.
Tỉnh Lào Cai tự hào có bảo vật quốc gia là Trống đồng Pha Long đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.
Nhiều di sản lễ hội đã được quan tâm, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng như Lễ hội Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ hội Xuống đồng của người Tày, Giáy, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì, Lễ hội Su Giề Pà của người Bố Y ở Mường Khương...
Bên cạnh đó, Lào Cai đã phát huy thế mạnh của đội ngũ nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong việc truyền lửa nhiệt huyết đam mê văn hóa, di sản dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật để triển khai hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn không ít những tồn tại, thách thức trong giai đoạn công nghệ số hiện nay.
Nhiều di sản bị mai một, tiếng nói, trang phục truyền thống, môi trường tự nhiên xã hội biến đổi ngày càng rõ rệt buộc văn hóa ứng xử của con người thay đổi theo... gây nên những trở ngại, thách thức lớn trong công tác duy trì và thực hành di sản văn hóa.
Ý thức của một bộ phận người dân về công tác bảo vệ di tích chưa cao, còn xảy ra hiện tượng xâm hại khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích để xây dựng trái phép, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân.
Thời gian tới, tỉnh Lào Cai nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về di sản văn hóa.
Tỉnh cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về quản lý di sản, di tích; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật, các đề án, chương trình, dự án về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu, sưu tầm và khai thác các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; phát huy hiệu quả chương trình “Biến di sản thành tài sản,” trong đó bảo tồn di sản dựa vào cộng đồng dân cư bản địa trên cơ sở đem lại lợi ích cho người dân từ chính di sản mà họ đang sống cùng, đang bảo vệ./.