Lào Cai: Nghề làm hương truyền thống của người Mông ở Si Ma Cai

Nghề làm hương là nghề truyền thống có từ rất lâu đời ở Seo Khai Hóa, Sán Chải, huyện Si Ma Cai, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

Lào Cai: Nghề làm hương truyền thống của người Mông ở Si Ma Cai

Bước vào tháng 9 âm lịch, đồng bào Mông ở thôn Seo Khái Hóa, xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu làm hương cho dịp lễ, tết cuối năm.

Nghề làm hương là nghề truyền thống có từ rất lâu đời ở thôn Seo Khai Hóa, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai. Nghề làm hương không những giúp người dân trong thôn có thêm thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Hương của đồng bào dân tộc Mông được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Một bó hương thường được bán với giá trung bình từ 15.000-20.000 đồng. Tuy đắt hơn so với một số loại hương khác từ dưới xuôi mang lên nhưng vẫn được người dân vùng cao tìm mua.

Anh Ly Seo Dợ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, cho biết: “Hương của người Mông ở đây là làm từ cây tre ở tại địa phương nên cây hương cháy lâu hơn và cháy liên tục. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ thành lập tổ hội nghề nghiệp làm hương truyền thống để bà con nhân dân cùng học hỏi và cùng nhau liên kết sản xuất phát triển sản phẩm”.

Mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại hương khác nhau nhưng hương truyền thống của người Mông vẫn được nhiều người tin dùng. Vì vậy người dân ở xã Sán Chải vẫn luôn phát huy, góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống, phong tục tập quán văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Ở thôn Seo Khai Hóa, xã Sán Chải có hơn 20 hộ còn lưu giữ nghề làm hương truyền thống. Những ngày này, các gia đình trong thôn đang tập trung mọi nguồn lực để làm hương phục vụ tết Nguyên đán.

Bà Lý Thị Sâu, thôn Seo Khai Hóa, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Ngay từ đầu năm những lúc rảnh rỗi thì chúng tôi đi tìm nguyên liệu trên rừng về phơi khô để làm hương, những khâu chuẩn bị nguyên liệu này chúng tôi làm quanh năm. Hai vợ chồng tôi tuổi đã cao nhưng việc này không cần nhiều sức vẫn làm được, mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng”.

Bà Thào Thi Sung đang dạy các con của mình làm hương truyền thống, với mong muốn sẽ lưu giữ nghề và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình. Chị Ly Thị Mai, thôn Seo Khai Hóa, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, con gái bà Sung cho biết: "Tôi được mẹ truyền dạy lại nghề làm hương truyền thống. Tôi thấy nghề này cho thu nhập không cao nhưng ổn định và có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Sau này tôi cũng sẽ dạy lại các con để cùng nhau lưu giữ nghề”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục