Lào Cai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử

Hiện tại, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được Lào Cai triển khai đến 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã trên địa bàn.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang được đẩy mạnh nhằm thực hiện liên thông giữa các cơ quan trong cùng cấp và các cấp hành chính, từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Tuy vậy, theo ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư tại tỉnh Lào Cai đã phát sinh một số vướng mắc.

Tại "Hội thảo trao đổi về phần mềm quản lý văn bản điều hành tích hợp chữ ký số trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai" diễn ra chiều 9/9, tại thành phố Lào Ca, các vướng mắc này được chỉ ra là tập trung chủ yếu trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành; gửi nhận văn bản điện tử, ký số văn bản điện tử; phần mềm dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị...

Hội thảo do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty Viễn thông Lào Cai tổ chức nhằm trao đổi ý kiến, tháo gỡ vướng mắc cũng như lắng nghe những chia sẻ, đóng góp của các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các Sở, ban, ngành, địa phương về phần mềm quản lý văn bản điều hành tích hợp chữ ký số trong xây dựng chính quyền điện tử Lào Cai.

[Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công]

Theo đó, phản ánh về những bất cập trong quá trình triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, đối với văn bản đến, khi lãnh đạo Sở xử lý văn bản trên phần mềm cho các đơn vị liên quan (ví dụ đơn vị nào chủ trì, đơn vị nào phối hợp...) phải cùng lúc nhập vào 2 ô là: "ý kiến xử lý" và "nội dung yêu cầu" thì các đơn vị mới đọc được ý kiến xử lý.

Hoặc khi văn bản lãnh đạo Sở này đã phê duyệt chuyển đến các đơn vị trực thuộc Sở nhiều khi phải chuyển lần 2 các đơn vị mới nhận được văn bản.

Bên cạnh đó, đại diện Sở này cũng cho biết thêm, ký số văn bản đi vẫn là ký thủ công, chưa khắc phục lỗi ký số tự động, đồng thời khi ký số bị lỗi nhảy chữ, lệch dòng...

Trong khi đó, theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, phần mềm quản lý văn bản điều hành tại đơn vị này chưa hỗ trợ tính năng số hóa văn bản từ văn bản giấy theo khoản 2 điều 6 Thông tư 01/2019/TT-BNV, hơn nữa, quy trình này không cần thiết bởi theo quy định chức năng nhiệm vụ cán bộ văn thư phải chịu trách nhiệm về tính trung thực trong tiếp nhận văn bản đến tại cơ quan.

Hơn nữa, hiện tại phần mềm quản lý văn bản điều hành chưa có tính năng lưu trữ nên chưa thể thực hiện lập và nộp hồ sơ điện tử, lưu trữ cơ quan theo Thông tư 01 của Bộ Nội vụ.

Cũng theo đại diện một số Sở, ngành như Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai..., việc thực hiện phầm mềm quản lý văn bản điều hành tích hợp chữ ký số trong thời gian qua đã giảm đi được nhiều thủ tục hành chính, tuy vậy quá trình thực hiện có rất nhiều bất cập.

Đại diện văn phòng một số huyện như Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà... đề nghị bổ sung chức năng xem được báo cáo thống kê số lượng hồ sơ công việc của các cơ quan đơn vị trên hệ thống để đôn đốc nhắc nhở; đồng thời, bổ sung tạo tài khoản cho các cơ quan bên khối Đảng, đoàn thể để Ủy ban Nhân dân các huyện có thể chỉ đạo, trao đổi qua hệ thống.

Tại Hội thảo, sau khi lắng nghe ý kiến, chia sẻ và nắm bắt hiện trạng của các cơ quan, đơn vị trong quá trình sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành tích hợp chữ ký số, Ban tổ chức hội thảo đã trao đổi, giải đáp và xử lý những vướng mắc được nêu ra đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới hơn nữa trong triển khai công việc theo nhu cầu thực tế tại các cơ quan, đơn vị của địa phương.

Theo đó, Ban tổ chức cho biết hầu hết lỗi do các thiết bị đầu cuối, hệ thống hạ tầng sẽ được Viễn thông Lào Cai chịu trách nhiệm xử lý sự cố 24/24.

Đối với các vướng mắc về khai thác tính năng và quy trình thực hiện hệ thống, tại Hội thảo, đại diện Viễn thông Lào Cai đã cam kết sẽ tiếp tục bổ sung và nâng cấp các tính năng để đáp ứng đầy đủ hơn nữa nhu cầu sử dụng của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Hiện tại, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được Lào Cai triển khai đến 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã; kết nối, công khai kết quả tiếp nhận, xử lý văn bản trong các cơ quan nhà nước trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 100% các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp phát, sử dụng chữ ký số, tích hợp chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản điều hành.

Trên 80% văn bản đã được ký số, số của tổ chức phục vụ trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành trong xây dựng chính quyền điện tử tại Lào Cai đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, giảm chi phí hoạt động, giảm thời gian, số lần người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục