Lào Cai hiện có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, còn được gọi là vùng "lõi nghèo" gồm Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chày (huyện Văn Bàn), La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương).
Đây là những xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất; kinh tế-xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Trong thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nỗ lực tạo việc làm, giúp người dân của 10 xã này từng bước thoát nghèo.
Điển hình như dự án "Chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả dựa vào quản lý cộng đồng" do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai tại xã Lùng Cải (huyện Bắc Hà) đã đem lại thu nhập cao giúp nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo.
Dự án thực hiện từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2023, với 35 hộ tham gia, quy mô 135 con lợn đen bản địa, kinh phí thực hiện trên 498 triệu đồng. Với hiệu quả của dự án, nông dân tự tin, mạnh dạn, chủ động nguồn lực và góp vốn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất.
Cùng với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu mỗi gia đình có một lao động đi làm việc ở ngoài xã trong chỉ đạo giải quyết việc làm cho người dân ở 10 xã nghèo nhất tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và xóa nghèo ở vùng “lõi”nghèo.
Để góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới ở 10 xã nghèo nhất tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tích cực khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề; triển khai, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã nghèo theo Đề án 10-ĐA/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025.
Trong năm 2023, Lào Cai đã tổ chức được 14 hội nghị tuyên truyền, phiên giao dịch việc làm, thu hút 1.386 lao động tại 10 xã nghèo tham gia.
Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: đưa tin trên truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để người lao động biết thông tin chính xác đăng ký quay lại thị trường lao động làm việc; đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tuyển dụng lao động để phòng tránh thiệt hại cho người lao động.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lào Cai đã phối hợp đưa khoảng 140 lao động ở 10 xã nghèo đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương…, giúp người lao động có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, năm 2003, tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai đạt 10,41% (tương đương 630 hộ); vượt 0,8% chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra (9,61%).
Theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các xã đạt 5,8 tiêu chí/xã, tăng trung bình 1,6 chỉ tiêu/xã so với năm 2022. Đây là những bước tiến quan trọng, là bàn đạp cho công tác giảm nghèo bền vững nói chung của địa phương những năm tiếp theo.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo các xã còn lại đạt 17,26%. Như vậy, trong hai năm 2024-2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 10 xã phải giảm tử 50,54% xuống dưới 20% (phải giảm tối thiểu 30,54%). Đây thực sự là thách thức đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ vốn tăng 47%
Năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt phân bổ 12.692 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn các xã.
Tỉnh đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, có tác động lâu dài đến công tác giảm nghèo; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho 10 xã nghèo để khuyến khích tạo việc làm cho người lao động./.