Lào Cai đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức cao nhất

Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tỉnh Lào Cai xác định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 sẽ tạo bản lề cho các năm tiếp theo, đồng thời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Do vậy, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của Năm mới 2023, tỉnh Lào Cai đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt để thực hiện các mục tiêu đã đề ra và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải khẩn trương thực hiện.

Phục hồi và thích ứng linh hoạt

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, Năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Lào Cai đã dần bước vào quỹ đạo phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại trạng thái bình thường mới.

Nhờ đó, tình hình kinh tế xã hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân năm 2022 đạt 9,02% , cao hơn 3,57% so với năm 2021.

Theo đánh giá xếp hạng về tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh năm 2022 so với các tỉnh trong vùng và trên toàn quốc thì đã tăng so với năm 2021; trong đó, tốc độ tăng trưởng tỉnh xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng và 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so năm 2021.

Về quy mô kinh tế năm 2022 tỉnh Lào Cai xếp thứ 4/14 tỉnh trong vùng, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so năm 2021. Đặc biệt, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được tỉnh Lào Cai quyết liệt thực hiện. Hàng tuần, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức họp bàn và đưa ra các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công.

Hàng tháng, các dự án, công trình phải có báo cáo về tiến độ giải ngân, từ đó, tỉnh Lào Cai đã có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao; phê bình, nhắc nhở đối với những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp.

Đến hết năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lào Cai ước đạt 6.269 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch, đứng đầu trong khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 8 cả nước.

Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), năm 2022, tỉnh Lào Cai tiếp tục chịu nhiều tác động; trong đó, rõ nét nhất là chính sách biên mậu Trung Quốc có nhiều thay đổi.

Ngoài ra, phía Trung Quốc kiên trì chiến lược "Zero Covid" nên tạm ngừng hoặc hạn chế nhập khẩu thiết bị phụ tùng thay thế, nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất dẫn tới nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất.

Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, giá vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản thiếu ổn định… đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp và thương mại trên địa bàn.

[Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai có nhiều tín hiệu tích cực]

Trước tình hình trên, tỉnh Lào Cai đã chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để đề xuất các định hướng chỉ đạo, cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực nhiệm vụ năm 2022 và cả giai đoạn.

Tỉnh Lào Cai cũng đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19."

Xe hàng xuất khẩu của Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Thường xuyên rà soát, xây dựng các kịch bản phát triển nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình. Đồng thời, yêu cầu các cấp các ngành có kế hoạch chi tiết, cụ thể để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đặt ra; mở rộng quan hệ, hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng biên giới hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra

Cũng theo chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, năm 2023, tỉnh Lào Cai xác định là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm năm tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID 19.

Nhằm cụ thể hóa quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong năm 2023, tỉnh Lào Cai chọn chủ đề hành động của năm là "Đoàn kết-Kỷ cương-Sáng tạo-Hành động-Phát triển," đồng thời đưa ra một số giải pháp chính trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như tăng cường công tác dự đoán, dự báo tình hình, vận dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh, từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

Tỉnh Lào Cai cũng quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Lào Cai năm 2023 đạt ở mức cao nhất.

Giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, chủ động xây dựng phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ "dịch chồng dịch;" kịp thời khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch, công trình, dự án lớn, quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án có tính liên kết vùng, quốc gia; tích cực triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung triển khai các quy hoạch chung như xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa; xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị thành phố Lào Cai với đô thị Phố Lu; xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Bảo Hà-Tân An; xây dựng đô thị Bảo Hà; xây dựng kết nối đô thị du lịch Y Tý và vùng phụ cận, huyện Bát Xát; đô thị Võ Lao; đô thị Si Ma Cai... để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh như cảng hàng không Sa Pa, Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối; đường BOT Lào Cai-Sa Pa; tỉnh lộ 156; cầu Phú Thịnh… Các công trình kè dọc Sông Hồng nhằm tạo cơ sở cho phát triển đô thị.

Tỉnh cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; đầu tư kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ (Quốc lộ 279 nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến Lai Châu).

Cùng với các nhiệm vụ trên, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tại một số dự án, công trình.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu, các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch nội địa, quốc tế; trong đó, ưu tiên các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch nội địa, quốc tế.

Ngoài ra, tăng cường quốc phòng-an ninh, quản lý biên giới, mốc giới. Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục