Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, trước những tác động nghiêm trọng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, Chính phủ Lào ngày 2/4 đã ban hành một loạt các biện pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Quyết định số 31/PM nêu rõ Chính phủ Lào cho phép gia hạn thanh toán phí cầu đường năm 2020 đến ngày 30/6; gia hạn việc gửi báo cáo tài chính và các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2019 đến ngày 30/4; miễn nộp thuế thu nhập cho người có thu nhập thấp hơn 5 triệu kip Lào (khoảng 556 USD) từ tháng 4 đến tháng 6; miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp nhỏ với doanh thu từ 50-400 triệu kip Lào (tương đương 5.556 USD-44.477 USD) từ tháng 4 đến tháng 6.
[Doanh nghiệp Việt Nam chung tay cùng Lào chống COVID-19]
Chính phủ Lào cho phép Ngân hàng Trung ương Lào ra các chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại hoãn thời gian thanh toán nợ gốc và lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất và phí, cung cấp tiền vay các khoản mới cho khách hàng hoặc lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng một cách hợp lý; miễn nộp thuế, phí các loại hàng hóa liên quan đến công việc kiểm soát, phòng COVID-19.
Quyết định cũng yêu cầu giảm giá các loại nhiên liệu theo từng giai đoạn dựa theo giá nhiên liệu thế giới; yêu cầu theo dõi, kiểm tra, quản lý giá hàng hóa tại các tỉnh/thành trên cả nước; quản lý chặt tỷ giá hối đoái; quy định giá từng loại khẩu trang; hướng dẫn các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu giảm giá điện, nước, Internet... nhằm giúp khối kinh doanh cũng như các hộ cá thể giảm chi phí.
Các ban ngành liên quan chịu trách nhiệm nghiên cứu các điều khoản về bảo hiểm đối với người lao động bị ngừng làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng do COVID-19 theo thực tế và hoãn việc thanh toán phí bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng quyết định sẽ tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong năm 2020; đẩy nhanh việc thu thuế đối với các lĩnh vực thế mạnh; tăng cường quản lý lạm phát; quản lý chi tiêu ngân sách chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm; đẩy nhanh việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước; đồng thời kêu gọi người dân tăng cường sử dụng hàng hóa tiêu dùng nội địa để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước và hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài như thời gian qua.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, hãng hàng không Thái Lan Thai Airways International (TG) đã tuyên bố sẽ cho nhân viên tạm nghỉ việc trong hai tháng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động của lĩnh vực lữ hành trong nước và quốc tế.
Hãng hàng không này cũng sẽ đề nghị đội ngũ nhân viên của mình cắt giảm lương từ 10-15% tuỳ theo vị trí làm việc.
Quyết định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/4 đến hết ngày 31/5. Thai Airways đã thực hiện chuyến bay quốc tế cuối cùng vào ngày 1/4 sau đó sẽ dừng tất cả đội bay theo khung thời gian trên.
Động thái trên của Thai Airways được thực hiện sau khi các hãng hàng không khác có trụ sở tại Thái Lan cũng quyết định đình chỉ các đội bay của mình, gồm Nok Air, Bangkok Airways và Thai AirAsia.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ ngày 2/4 đã nới lỏng lệnh phong tỏa để cho phép các công dân nước ngoài mắc kẹt ở nước này được hồi hương.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ sẽ xem xét đề nghị của các chính phủ nước ngoài về việc đưa người dân về nước theo từng trường hợp. Trước khi khởi hành, người nước ngoài sẽ được kiểm tra các triệu chứng của COVID-19 và chỉ những người không có triệu chứng mới được phép rời đi.
Các Đại sứ quán và Lãnh sự quán của chính phủ nước ngoài sẽ bố trí việc vận chuyển những người này từ nơi ở đến điểm lên máy bay. Chuyến bay thuê sẽ do chính phủ nước ngoài phối hợp với Bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ thu xếp.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Ấn Độ đã liệt vào danh sách đen 960 người nước ngoài và hủy thị thực của họ sau khi phát hiện những người này vi phạm quy định thị thực và có liên quan đến các hoạt động của tổ chức Hồi giáo “Tablighi Jamaat.
Văn phòng Bộ trưởng Nội vụ đã đề nghị cảnh sát bang Delhi (Đê-li) và lãnh đạo cảnh sát các bang khác áp dụng Đạo luật Người nước ngoài và Đạo luật Quản lý thảm họa đối với những người này.
Trước đó, một trung tâm tôn giáo của tổ chức Tablighi Jamaat ở khu vực Nizamuddin thuộc bang Delhi đã trở thành ổ dịch lớn nhất của Ấn Độ, khi có tới gần 8.500 người, kể cả hàng trăm người nước ngoài, từng tham dự các hoạt động tôn giáo tại đây trong nửa đầu tháng 3.
Sau các buổi tụ họp, họ tỏa ra khắp Ấn Độ với nhiều người là nguồn lây bệnh tiềm tàng. Tính đến nay, Ấn Độ đã có ít nhất 358 ca mắc COVID-19 và hơn 10 ca tử vong do liên quan đến ổ dịch này./.