Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Canada thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9/11/2017.
Chiều 8/11/2017, sau Lễ đón chính thức, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Cùng dự hội đàm, về phía Việt Nam, có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Đức Hòa, Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Kế hoạch-Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục và Đào tạo; về phía Canada có Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone, Trợ lý cao cấp của Thủ tướng Gerald Butts, Cố vấn Thủ tướng về Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại John Hannaford và một số quan chức cấp cao khác trong Chính phủ Canada.
[Mega Story] Chặng đường 44 năm trong quan hệ Việt Nam-Canada
Tại cuộc hội đàm, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Canada thời gian qua trên nhiều lĩnh vực; nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada. Đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, là động lực, kịp thời tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trên các bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thời gian tới hai bên sẽ phối hợp triển khai các nội dung trong khuôn khổ Đối tác toàn diện như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo và những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ…; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, Francophonie, cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nước cùng quan tâm.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và Nhân dân Canada về sự ủng hộ quý báu dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Pierre Trudeau, người từng ủng hộ phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam và quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ hơn hai thập kỷ trở lại đây, Canada luôn đứng trong nhóm những nước hàng đầu về viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Canada vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Canada tiếp tục ưu tiên dành ODA cho Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, tăng trưởng bền vững…; ủng hộ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi sau năm 2017, tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương; sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam; đề nghị Canada tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Canada hội nhập, phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quan hệ hai nước.
Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ sự vui mừng tới thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội Việt Nam đạt được những năm qua; cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của Việt Nam đã dành cho Thủ tướng và đoàn. Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada ở khu vực và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam; nhất trí hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong quan hệ kinh tế thương mại-đầu tư trên nguyên tắc hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi.
Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc thực thi Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc. Canada khẳng định tiếp tục tạo thuận lợi cho mở rộng hợp tác và trao đổi học thuật, thông qua việc thiết lập các quan hệ đối tác và các chương trình trao đổi sinh viên giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.
Hai nhà Lãnh đạo cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo ủng hộ bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, tôn trọng luật pháp quốc tế; thúc đẩy việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã tham dự cuộc họp báo chung./.