Theo Yonhap, các chuyên gia ngày 26/4 cho rằng với "nút hạt nhân" và quyền lực vững chắc ở trong nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện đang hướng ra ngoài biên giới nước này, tiến tới một cuộc phiêu lưu ngoại giao có khả năng biến Triều Tiên từ một nước thu mình trở thành một nhân tố có vai trò quan trọng về chiến lược địa chính trị trên chính trường quốc tế.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 sẽ là trọng tâm của làn sóng tiếp cận ngoại giao rõ ràng nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt toàn cầu, vực dậy nền kinh tế yếu kém của Triều Tiên và tăng cường củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo này.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, cùng với cuộc gặp dự kiến giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, cũng sẽ là một tiêu chuẩn làm rõ mức độ ông Kim sẵn sàng thực hiện các bước đi hướng tới phi hạt nhân và nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Đây là hai mục tiêu khiến cả Hàn Quốc và Mỹ đều lo lắng trong nhiều thập kỷ qua. Ông Kim Jong-un kết nối với thế giới bên ngoài bắt đầu bằng hoạt động ngoại giao thể thao tại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc hồi tháng Hai vừa qua cũng như nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Moon và đề nghị hội đàm với ông Trump.
Động thái gây ngạc nhiên hơn nữa trong chiến lược của ông Kim Jong-un là Đảng Lao động Triều Tiên hôm 20/4 bất ngờ quyết định ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đóng cửa bãi thử hạt nhân chính của Bình Nhưỡng và thông qua đường hướng chiến lược mới tập trung phát triển kinh tế. Quyết định này được xem là mang tính biểu tượng, dù mong manh, tiến tới tạo nền tảng cho sự hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ, hai nước kiên quyết đề nghị Bình Nhưỡng chân thành trong cam kết phi hạt nhân hóa.
[Mỹ: Triều Tiên đang đi đúng hướng trong vấn đề phi hạt nhân hóa]
Chiến lược xoay trục khỏi khiêu khích của ông Kim Jong-un diễn ra trong bối cảnh Mỹ gia tăng đe dọa hành động quân sự, sau nhiều năm áp đặt các biện pháp trừng phạt mà giới quan sát cho là đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên và làm suy giảm sự ủng hộ và trung thành của người dân đối với giới chóp bu tại Bình Nhưỡng.
Việc ông Kim Jong-un hướng ra ngoài biên giới Triều Tiên cho thấy ông này tự tin trong việc kiểm soát các vấn đề nhà nước. Chuyên gia Kim Yeol-su về chiến lược an ninh thuộc Viện các vấn đề quân sự Hàn Quốc nhận định, ông Kim Jong-un ngày nay hoàn toàn khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi năm 2011. Tăng cường quân sự được xem là một phần trong chiến lược rộng hơn của ông Kim Jong-un nhằm ngăn các lực lượng Mỹ tiến gần, thu hẹp ô hạt nhân của Mỹ và cuối cùng là chia rẽ liên minh Hàn-Mỹ.
Hoạt động ngoại giao thượng đỉnh của ông Kim Jong-un bắt đầu bằng cuộc hội đàm bất ngờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011.
Cuộc hội đàm này, diễn ra trước các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Triều-Mỹ, đã làm dấy lên suy đoán rằng ông Kim Jong-un có thể đang có hành động cân bằng giữa đồng minh truyền thống Trung Quốc và Mỹ nhằm đạt được tối đa các thành tựu ngoại giao.
Cuộc hội đàm Kim-Tập diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh rõ ràng ngày càng thận trọng trước khả năng Bình Nhưỡng có thế tiến gần hơn với Washington. Sự lo ngại như vậy của Trung Quốc càng cho thấy giá trị địa chính trị gia tăng của Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên cũng trở nên có giá trị chiến lược đối với Tổng thống Trump do ông này cần giành được sự ủng hộ của công chúng trong nước bằng một hành động ngoại giao lớn trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump có thể cũng tính đến một vị thế quan trọng trong lịch sử thông qua cuộc đàm phán chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vốn chỉ tạm ngừng bằng một hiệp định đình chiến./.