Lãnh đạo TP.HCM xin lỗi dân vì giải phóng mặt bằng kéo dài

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh xin lỗi người dân vì đã để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài kéo dài tới 10 năm nay.
Lãnh đạo TP.HCM xin lỗi dân vì giải phóng mặt bằng kéo dài ảnh 1Một phần tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 27/5, tại buổi đối thoại với đại diện 47 hộ dân phường 3, quận Gò Vấp bị ảnh hưởng bởi dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thay mặt chính quyền thành phố gửi lời xin lỗi đến người dân vì đã để công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài 10 năm nay.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định, nguyên nhân dẫn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài là do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó phải kể đến một số sở, cơ quan thành phố đã chậm trễ trong quá trình thực hiện, chuẩn bị chưa đầy đủ dẫn đến xung đột pháp lý.

"Chủ trương dự án là tốt nhưng cách làm chưa tốt, phê duyệt dự án về mặt thẩm quyền là chưa đúng. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, thành phố cũng đã nhận sai. Quan điểm của thành phố là giải quyết dựa vào pháp lý nhưng cũng căn cứ vào thực tiễn để hài hòa lợi ích của người dân, đảm bảo dân sinh,” ông Tín nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tín, đất thuộc công viên cây xanh mà chính quyền xác nhận vào hồ sơ là đất ở đô thị, đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước nhưng do Nhà nước không quản lý được để người dân lấn chiếm sử dụng… là lỗi của chính quyền.

Nhiều người dân đã vào mua, được cấp giấy chứng nhận sử dụng, đó không phải lỗi của người dân mà do lỗi của chính quyền. Thành phố sẽ xử lý theo hiện trạng, dù hộ dân thuộc diện hỗ trợ (không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hay bồi thường (đã được cấp giấy chứng nhận) thì cũng được áp dụng theo giá thị trường, cùng được hưởng chính sách giá như nhau.

Về đơn giá, thành phố sẽ giao cho các cơ quan liên quan tiến hành thẩm định và công khai cho người dân.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân ủng hộ chủ trương xây dựng tuyến Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài với mong muốn thành phố xem xét giá đền bù, hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, các hộ dân cũng mong muốn giải tỏa một lần đối với hai dự án (mở rộng Công viên cây xanh Gia Định, tuyến Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài).

Trước các yêu cầu này, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng, có những hộ dân có nhà và đất nằm trên cả hai dự án, nhưng do hai dự án triển khai ở hai thời điểm khác nhau nên để thuận tiện cho người dân, thành phố sẽ nhất trí tiến hành giải tỏa một lần. Người dân sẽ nhận tiền hoặc nhận tái định cư bằng căn hộ ngang giá bồi thường, hỗ trợ tùy theo nhu cầu.

Đối với quy hoạch lộ giới và nút vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, ông Tín cho biết, thành phố sẽ điều chỉnh bán kính vòng xoay xuống còn 65m thay vì 100m như đã công bố trước đây.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài (hình thức đầu tư BT) là một trong những tuyến xuyên tâm thành phố với điểm đầu là nút giao thông Linh Xuân (quận Thủ Đức), điểm cuối là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Tuyến đường đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, dài 13,6km, gồm 6 làn xe mỗi chiều, khiến 3.858 hộ bị ảnh hưởng và phải di dời.

Nhà đầu tư đảm nhận chi phí xây dựng khoảng 2.900 tỷ đồng, ngân sách thành phố chịu trách nhiệm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch ban đầu, năm 2008 dự án sẽ bàn giao mặt bằng toàn tuyến cho nhà đầu tư (Công ty GS E&C của Hàn Quốc) và sẽ hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã chậm 6 năm.

Vào ngày 28/9/2013, thành phố đã tổ chức lễ thông xe tuyến Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) đến nút giao Bình Triệu (quận Bình Thạnh); sau đó vào ngày 1/3 vừa qua đã tiến hành đặt tên đường Phạm Văn Đồng cho đoạn từ Ngã năm Nguyễn Thái Sơn đến nút giao thông Linh Xuân (Thủ Đức)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục