Lãnh đạo TP.HCM đối thoại với chủ tịch 312 phường, xã, thị trấn

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn đã thảo luận và kiến nghị các "vấn đề nóng" được người dân quan tâm như: tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng lề đường...
Lãnh đạo TP.HCM đối thoại với chủ tịch 312 phường, xã, thị trấn ảnh 1Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 26/2, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi giữa Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 312 phường, xã, thị trấn.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn đã thảo luận và kiến nghị các "vấn đề nóng" được người dân cũng như cán bộ cơ sở quan tâm như: tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng lề đường; chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm, công chức; việc tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính khi thành lập thành phố Thủ Đức; bố trí tái định cư cho người dân, chống ngập khi triều cường…

Ông Lê Hữu Nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình Thọ (thành phố Thủ Đức), kiến nghị lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi thành lập thành phố Thủ Đức; ổn định tổ chức bộ máy để không gián đoạn việc giải quyết thủ tục hành chính.

Theo bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), hiện nay các phường, xã, thị trấn đang thiếu công chức cũng như cán bộ không chuyên trách, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các nhiệm vụ.

Trên địa bàn quận 1 thường xuyên diễn ra các sự kiện thu hút đông đảo người dân, tổ chức trong khi lại thiếu lực lượng trật tự đô thị. Vì thế, Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Thái Bình kiến nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, cân đối lại việc bố trí lực lượng trật tự đô thị cho các địa bàn trung tâm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình Thuận (quận 7) nêu rõ hiện nay, trên địa bàn phường Bình Thuận có một số dự án chưa triển khai, trong khi có nhiều người dân có đất trong quy hoạch không được chuyển mục đích và cấp phép xây dựng. Điều này dẫn tới tình trạng có một số trường hợp lén lút xây dựng trong khu quy hoạch.

Để tháo gỡ khó khăn này, Ủy ban Nhân dân phường Bình Thuận kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh bố trí ngân sách để thực hiện dự án theo quy hoạch cũng như hướng dẫn các ban ngành liên quan rút ngắn quy trình thụ lý đơn kiện vụ án hành chính, dân sự để sớm xử lý các vụ việc xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trao đổi về công tác sắp xếp nhân sự cấp phường, xã, thị trấn, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay biên chế công chức của thành phố vượt so với biên chế hàng năm của Bộ Nội vụ giao.

Theo quy định, việc thi tuyển công chức cấp xã thuộc thẩm quyền Ủy ban Nhân dân các quận huyện. Thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, các quận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức sẽ không còn công chức cấp xã. Công chức cấp phường thuộc thành phố Thủ Đức sẽ là công chức của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh việc ủy quyền lại cho Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức trong việc tuyển dụng và tiếp nhận công chức đối với các phường thuộc thành phố Thủ Đức.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã trải qua năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực trên tất các lĩnh vực. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Trong thành quả đó có đóng góp rất lớn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn.

Để tiếp tục đạt mục tiêu kép đề ra trong năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn xem phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên, nhiệm vụ hàng đầu trong mọi tình huống với tinh thần không chủ quan lơ là, bám sát địa bàn, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng," đảm bảo sự bình yên cho thành phố, an toàn cho người dân.

[Thành phố Hồ Chí Minh nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch COVID-19]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong, để cải thiện môi trường đầu tư, hàng năm thành phố tổ chức gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bắt đầu từ năm 2021, lãnh đạo thành phố sẽ gặp gỡ Hội đồng kinh tế của từng lĩnh vực gồm đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố, Hiệp hội các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của một số Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương giải quyết, trả lời cho các phường, xã, thị trấn trước ngày 15/3/2021 về vấn đề công chức và chính sách tiền lương. Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức, số lượng cán bộ dôi dư rất nhiều.

Lãnh đạo TP.HCM đối thoại với chủ tịch 312 phường, xã, thị trấn ảnh 2Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cắt giảm cơ học, sắp xếp, bố trí lại. Để thực hiện tốt công tác này, lãnh đạo thành phố đề nghị thành phố Thủ Đức, các sở, ngành liên quan nắm bắt thông tin, tâm tư nguyện vọng để sắp xếp bộ máy, nhân sự phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ trong giai đoạn hình thành phố Thủ Đức.

“Thực hiện chính quyền đô thị, trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn sẽ nặng nề hơn do không còn Hội đồng Nhân dân quận, phường. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện tốt nhất để các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn hoàn thành nhiệm vụ," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục