Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu không được từ chối các ca F0

Trung tâm Cấp cứu 115 có trách nhiệm điều phối các ca nhiễm F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19.
Bác sỹ Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 (thành phố Thủ Đức) thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu giám đốc các bệnh viện dã chiến phải thu dung điều trị, còn các bệnh viện điều trị COVID-19 tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân nặng nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện, nếu tổ chức cá nhân có vi phạm thì xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố điều phối các ca nhiễm F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải làm việc với các doanh nghiệp vận tải để đáp ứng yêu cầu vận chuyển F0 bằng xe khách 30 chỗ, 45 chỗ có gắn hệ thống GPS.

Trung tâm 115 là đầu mối tiếp nhận, quản lý và sử dụng phương tiện.

Sở Y tế và Trung tâm 115 có trách nhiệm huy động toàn bộ nguồn lực xe cứu thương tại cơ sở y tế công lập; vận động cơ sở ngoài công lập hỗ trợ cho điều động sử dụng tạm thời xe cứu thương (gồm cả lái xe), lắp đặt hệ thống GPS.

[TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng cho kịch bản 60.000 ca mắc COVID-19]

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Công an thành phố khẩn trương xét duyệt thủ tục cấp biển số xe và giấy phép sử dụng tín hiệu ưu tiên cho xe cứu thương.

Các trung tâm y tế, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, bệnh viện COVID-19 cần thường xuyên cập nhật số trường hợp F0 tại các khu cách ly tạm thời của quận, huyện, chịu trách nhiệm phân loại các trường hợp F0 để chuyển đến các bệnh viện phù hợp.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết việc thu dung, điều trị F0 tại thành phố trong thời gian qua có nhiều bất cập và yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thiếu sót trong thời gian tới, đặc biệt là tình trạng chậm chuyển F0 nặng đi điều trị.

Trong việc tổ chức xét nghiệm có nơi còn tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách tại điểm lấy mẫu, trả kết quả mẫu đơn PCR chậm, dẫn tới chậm chuyển F0 tới nơi điều trị.

Công tác phối hợp điều chuyển F0 từ tuyến dưới lên tuyến trên có sự lúng túng, mất thời gian tìm bệnh viện đủ năng lực tiếp nhận, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong thời gian còn lại khi thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đặt ra mục tiêu giảm số ca F0 tăng mới trong khu cách ly, phong tỏa; tập trung nguồn lực điều trị cho các ca F0, F0 nặng, người có bệnh nền, hạn chế ca tử vong; đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển các ca F0 có dấu hiệu chuyển nặng tại bệnh viện quận, huyện đến các bệnh viện tuyến trên.

Trước đó, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào chiều 19/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết vấn đề lo ngại nhất của thành phố là số ca F0 tiếp tục tăng sau 11 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị cũng như mục tiêu giảm bệnh nhân nặng, hạn chế tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện ngay việc cách ly F1 tại nhà, rút ngắn thời gian điều trị F0. Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp xét nghiệm nhằm tăng tốc “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng tại những khu vực nguy cơ rất cao; tăng cường tiến độ, tốc độ xét nghiệm tầm soát, sàng lọc ở những vực nguy cơ thấp hơn, từng bước xây dựng “vùng xanh” an toàn vững chắc.

Đồng thời, thành phố phải có sự chỉ huy thống nhất, phối hợp đồng bộ từ khâu lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, thông báo kết quả xét nghiệm đến tổ chức đưa F0 tới các cơ sở điều trị phù hợp thành một quy trình khép kín.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, từ 6 giờ ngày 19/7 đến 6 giờ ngày 20/7, thành phố ghi nhận 3.511 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là ở khu vực cách ly và khu vực phong tỏa; có 17 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, 294 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện.

Các trường hợp chờ tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3 trong đêm 11/7. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Hiện thành phố đang điều trị cho 31.757 bệnh nhân, trong đó có 413 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO), có 251 bệnh nhân tử vong.

Tính đến ngày 20/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện nay thành phố đang xây dựng mô hình “tháp 4 tầng,” trong đó tầng 1 điều trị F0 không có triệu chứng, tầng 2 điều trị F0 triệu chứng nhẹ, tầng 3 điều trị F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm nặng, nguy kịch và tầng 4 điều trị F0 rất nặng.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, đa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh là F0 không triệu chứng (thuộc tầng 1 trong tháp điều trị), được cách ly điều trị ở bệnh viện dã chiến.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cách ly và điều trị với các F0 này, thành phố đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000-6.000 giường tại các tòa nhà tái định cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục