Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Từ tháng 4 đến ngày 24/5, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ giải ngân 1,5% kế hoạch vốn, cho thấy tiến độ giải ngân khá chậm so với mục tiêu đề ra.

Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chạy thử nghiệm trên toàn tuyến - đoạn chuẩn bị vào Nhà ga ngầm Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chạy thử nghiệm trên toàn tuyến - đoạn chuẩn bị vào Nhà ga ngầm Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh rất đáng lo khi trong tháng 4 và tháng 5, Thành phố xác định mỗi tuần giải ngân khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng nhưng chỉ đạt chưa tới 200 tỷ đồng.

Từ tháng 4 đến ngày 24/5, Thành phố chỉ giải ngân 1,5% kế hoạch vốn, cho thấy tiến độ giải ngân khá chậm so với mục tiêu đề ra.

Nội dung được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu ra tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Ủy ban Nhân dân Thành phố, diễn ra chiều 31/5.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh-Phan Văn Mãi, thành phố đề ra mục tiêu hết quý 1, giải ngân đầu tư công đạt từ 10-12% và hết quý 2 đạt 30%, tuy nhiên đến giờ đạt khá thấp, mới chớm đạt chỉ tiêu quý 1, khoảng 10%.

Lãnh đạo Thành phố nêu rõ những dự án có vốn lớn nhưng giải ngân chậm như rạch Xuyên Tâm dự kiến giải ngân 5.400 tỷ đồng, bờ Bắc Kênh Đôi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, Vành đai 2 là 8.000 tỷ đồng…

Nếu các dự án này không giải ngân được, chắc chắn tỷ lệ giải ngân của thành phố rất thấp.

"Giải ngân của thành phố rất đáng lo. Trong tháng 4 và tháng 5, chúng ta xác định rằng mỗi tuần giải ngân khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng nhưng khối lượng giải ngân đâu đó chỉ 200 tỷ đồng, rất thấp so với nhiệm vụ, yêu cầu,” ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 24/5, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024, ước tính đến hết tháng 5/2024 giải ngân đạt 10.895 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch.

Từ tháng 4 đến ngày 24/5, Thành phố chỉ giải ngân 1,5% kế hoạch vốn, cho thấy tiến độ giải ngân khá chậm so với mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khối lượng thanh toán trong tháng 4 và tháng 5 vừa rồi rất chậm, mỗi tuần chỉ khoảng 150-180 tỷ đồng.

Trong khi cuối quý 1, có sự thúc đẩy tinh thần làm việc từ thi đua, Thành phố có ngày giải ngân lên đến 1.000 tỷ đồng; trong đó, ngày 30-31/3, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng đạt rất cao.

Theo ông Hải, hết đợt thi đua cao điểm thì trở lại làm việc cầm chừng, trong 2 tháng qua, không có tuần nào thành phố giải ngân trên 200 tỷ đồng.

Các khó khăn về vật liệu, mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân giảm như 2 tháng vừa qua.

“Ủy ban Nhân dân Thành phố có thể phát động thi đua, kiểm tra giám sát để tốc độ giải ngân như cuối quý 1 năm 2024, khi đó tình hình mới cải thiện được,” ông Nguyễn Hoàng Hải đề xuất.

Trao đổi một số vấn đề liên quan, theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, đối với các dự án đang thi công, việc giải ngân chậm có nguyên nhân liên quan năng lực nhà thầu, sự điều hành của chủ đầu tư và tình trạng thiếu vật liệu xây dựng.

Trong khi những dự án mới, vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, có liên quan vấn đề quy hoạch, bởi hiện đang là thời điểm giao thời (đang điều chỉnh quy hoạch chung).

Tại phiên họp, đại diện các ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng của thành phố (các chủ đầu tư) cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư như thiếu vật liệu xây dựng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với một số dự án có vốn lớn.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, giải ngân vốn đầu tư chưa đạt được như mục tiêu.

Năm nay, Ban có 53 dự án với khoảng 12.900 tỷ đồng; trong đó, dự án bờ Bắc Kênh Đôi và rạch Xuyên Tâm có vốn giải phóng mặt bằng lên tới hơn 8.900 tỷ đồng.

Tại dự án rạch Xuyên Tâm, trên địa bàn quận Bình Thạnh có vốn 5.400 tỷ đồng, nhưng địa phương chưa có phương án chi trả bồi thường; với phần xây lắp khoảng 800 tỷ đồng, Ban sẽ tổ chức khởi công vào tháng 8.

Trong 7 tháng còn lại của năm 2024, theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh phải giải ngân khoảng 70.000 tỷ đồng, như vậy mỗi tháng phải giải ngân được 10.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư phải làm việc với các nhà thầu; tiến hành rà soát, xem xét các nhà thầu, nếu nhà thầu nào không có tiến triển thì cần phải xử lý.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã và đang tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục