Lãnh đạo Pháp và Đức kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán với Nga

Các bên đều nhất trí về việc tìm cách nối lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy với Nga mà Moskva cũng là một bên đàm phán theo thể thức này.
Lãnh đạo Pháp và Đức kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán với Nga ảnh 1Quân nhân Ukraine tại một trạm gác ở thị trấn Zolote, vùng Lugansk, miền Đông Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/12, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán với Nga trong khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky bày tỏ Kiev sẵn sàng cho các cuộc đối thoại theo bất kỳ cơ chế nào.

Tổng thống Zelensky đưa ra tuyên bố trên tại cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz diễn ra bên lề một hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Cuộc gặp này đã tập trung vào việc tìm cách khôi phục đàm phán với Nga nhằm giải quyết vấn đề Ukraine.

[Nga sẽ đáp trả nếu Mỹ và NATO triển khai binh sỹ tại Ukraine]

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức cũng kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán với Nga. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết tại cuộc gặp các bên đều nhất trí về việc tìm cách nối lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy với Nga mà Moskva cũng là một bên đàm phán theo thể thức này.

Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết với định dạng đàm phán này để có thể tìm ra một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Trước khi rời Berlin tới Brussels, Thủ tướng Đức Scholz cho biết ông vẫn tìm kiếm kênh "đối thoại mang tính xây dựng" với Nga trong vấn đề này.

Cùng ngày 15/12, Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng và đảm bảo giải quyết hòa bình xung đột theo các thỏa thuận Minsk.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine có nhiều căng thẳng liên quan tới tình hình tại Donbass, miền Đông Ukraine.

Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại các nỗ lực hòa giải theo định dạng Normandy để giải quyết cuộc xung đột tại đây, đồng thời nhiều lần tái khẳng định cam kết trong thỏa thuận Minsk ký năm 2015, coi đó là cơ sở duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục