Lãnh đạo NHNN: TPBank đã xử lý tốt vụ tin tặc và tránh được tổn thất

Ông Hùng cho biết, nhờ phát hiện và xử lý kịp thời nên TPBank đã tránh được tổn thất. Các ngân hàng khác và hệ thống thanh toán SWIFT tại thời điểm đó và hiện nay không bị ảnh hưởng gì.
Lãnh đạo NHNN: TPBank đã xử lý tốt vụ tin tặc và tránh được tổn thất ảnh 1Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)

Ngày 17/5, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cho biết, liên quan tới vụ việc xảy ra tại TPBank xảy ra tháng 12/2015, qua hệ thống giám sát và cảnh báo rủi ro của mình, TPBank đã phát hiện một điện chuyển tiền gian lận hơn 1 triệu euro (1,13 triệu USD) qua dịch vụ bên thứ ba mà TPBank sử dụng để kết nối với hệ thống điện chuyển tiền toàn cầu SWIFT.

Điện chuyển tiền này đã bị ngăn chặn và vụ tấn công không ảnh hưởng đến hệ thống của SWIFT cũng như các giao dịch khác của ngân hàng với khách hàng.

Liên quan vụ việc, sáng ngày 17/5, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học Ngân hàng Nhà nước đã có trả lời phỏng vấn báo chí về vụ việc xảy ra tại TPBank giúp giải tỏa được nhiều câu hỏi của truyền thông.

Ông Hùng cho biết, vụ việc đã được phát hiện và xử lý ngay tại thời điểm xảy ra tấn công, tháng 12/2015, trước vụ Bangladesh và mới đây mới được công bố. Nhờ phát hiện và xử lý kịp thời nên TPBank đã tránh được tổn thất. Các ngân hàng khác và hệ thống thanh toán SWIFT tại thời điểm đó và hiện nay không bị ảnh hưởng gì.

Cũng theo ông Hùng, tính đến năm cuối 2015, cộng đồng SWIFT Việt Nam gồm Ngân hàng Nhà nước và khoảng 80 ngân hàng thương mại tham gia, đăng ký 88 mã SWIFT, trong đó có 44 mã SWIFT của ngân hàng thương mại cổ phần, 43 mã SWIFT của các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, lượng giao dịch trung bình một ngày thông qua hệ thống này vào cuối tuần trước khoảng từ 20.000-30.000 lệnh thanh toán đi và đến với số tiền từ khoảng 25 tỷ USD.

"Như vậy có thể thấy hoạt động giao dịch của các ngân hàng qua hệ thống SWIFT là hoàn toàn bình thường và ổn định," ông Hùng khẳng định.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi nhận được thông tin từ TPBank đã yêu cầu các ngân hàng thương mại sử dụng SWIFT ở Việt Nam rà soát và báo cáo Ngân hàng Nhà nước đã thông báo cảnh báo toàn ngành ngân hàng liên quan đến thủ đoạn của tội phạm mạng đồng thời, yêu cầu rà soát lỗ hổng có thể có và phối hợp SWIFT để đảm bảo an toàn hệ thống. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên hệ làm việc với đối tác ủy quyển của SWIFT tại Việt Nam - Công ty Blitz (tại Singapore) để cập nhật phiên bản mới thêm nhiều tính năng bảo mật cấp cao nhằm tăng cường đảm bảo trước các cuộc tấn công của hacker từ bên ngoài cho các ngân hàng tại Việt Nam có sử dụng dịch vụ của SWIFT.

Ông Hùng nhấn mạnh, TPBank là một ngân hàng nhỏ nhưng được trang bị hạ tầng kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, nên có khả năng phát hiện xử lý cuộc tấn công hay các vụ lừa đảo. Sự việc với TPBank là sự việc đã được xử lý chủ động, không thất thoát tài chính. Qua tổng hợp từ các nguồn khác nhau và báo cáo có thể khẳng định hệ thống SWIFT của các ngân hàng hiện nay vẫn an toàn. Hoạt động của SWIFT phục vụ thanh toán quốc tế vẫn diễn ra bình thường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục