Ngày 9/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn 20 quan chức lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia và tổ chức thế giới đã nhất trí về lộ trình tiếp cận năng lượng sạch và bền vững cho các cơ sở y tế công cộng, đồng thời nhấn mạnh tính thiết yếu của năng lượng bền vững đối với sức khỏe con người.
Tại cuộc họp của Liên minh Y tế và năng lượng cấp cao do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập, bộ trưởng y tế và năng lượng, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và đại diện cấp cao của các tổ chức xã hội đã thông qua Lộ trình Chiến lược về y tế và năng lượng.
Lộ trình xác định hai mục tiêu chính là thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch để nấu ăn và cung cấp điện cho các cơ sở y tế trên khắp thế giới.
Theo ước tính của WHO, năm 2019, thế giới có khoảng 2,6 tỷ người đối mặt với nguy cơ hít phải các chất ô nhiễm nguy hiểm trong khi nấu ăn do việc sử dụng nhiên liệu thông thường.
[G7 đã đầu tư nhiều vào các ngành gây ô nhiễm trong thời kỳ COVID-19]
Điều này dẫn tới hậu quả là 4 triệu người tử vong vì các căn bệnh liên quan tới hệ tim mạch, các bệnh ung thư và bệnh phổi mà nguyên nhân được cho là xuất phát từ hoạt động nấu ăn bằng các nhiên liệu gây ô nhiễm. Trong khi đó, khoảng 1,1 tỷ người đang phải điều trị tại các cơ sở không được cung cấp điện.
Tổng Giám đốc Tedros nhấn mạnh: “Đẩy nhanh quá trình điện khí hóa các cơ sở y tế và nấu ăn sạch là cần thiết để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mọi người dân.”
Liên minh Y tế và năng lượng cấp cao có sự tham gia của đại diện một số tổ chức thế giới như WHO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) và các các quan chức phụ trách y tế và năng lượng các nước Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ghana, Na Uy./.