Lãnh đạo nhân quyền Guatemala nhận giải Niwano

Giải thưởng Hòa bình Niwano 29 đã được trao cho nhà hoạt động nhân quyền Guatemala, ghi nhận đóng góp vượt bậc của cô cho hòa bình.
Theo Kyodo, ngày 10/5, Quỹ Hòa bình Niwano trao Giải thưởng Hòa bình Niwano lần thứ 29 cho cô Rosalina Tuyuc Velasquez của Guatemala để ghi nhận đóng góp vượt bậc và không mệt mỏi cho hòa bình với tư cách một nhà hoạt động và lãnh đạo nhân quyền.

Cô Tuyuc nhận giấy chứng nhận giải thưởng, một huy chương và giải thưởng trị giá 20 triệu yen trong một buổi lễ tổ chức tại Tokyo.

Đây là lần đầu tiên một người theo tín ngưỡng bản địa truyền thống (Theo tín ngưỡng và lễ giáo Maya) được trao giải thưởng này.

Cô Tuyuc sống và làm việc tại Guatemala, một đất nước phải chịu đựng bạo lực và nội chiến tàn khốc trong nhiều thập kỷ nay. Năm 1988, cùng với các phụ nữ khác, cô Tuyuc thành lập Tổ chức Điều phối Quốc gia của các Bà góa Guatemala (CONAVIGUA), hiện là một tổ chức nhân quyền hàng đầu của Guatemala đi tiên phong trong tạo ra một hình thức phản kháng ôn hòa.

Về việc lựa chọn cô Tuyuc là người nhận giải năm 2012, Ủy ban Giải thưởng Hòa bình cho biết cô là “một tấm gương truyền cảm hứng để các nạn nhân của sự phân biệt đối xử, dựa vào đức tin của họ, được tiếp thêm sức mạnh làm việc cùng nhau để xóa bỏ các hành vi vi phạm nhân quyền và làm đảo ngược các nguyên nhân đã gây tổn thương sâu sắc đối với họ.”

Ủy ban này cũng ca ngợi nỗ lực của cô trong việc đưa ra những phương thức mang tính xây dựng và ôn hòa để mang lại hòa bình và công lý cho đất nước Guatemala.

Trong phát biểu tại lễ nhận giải thưởng, cô Tuyuc nói cô “sẽ thực thi trách nhiệm để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của một nền văn hóa hòa bình, nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường sự tôn trọng cuộc sống và nhân quyền cho mỗi cá nhân mong muốn được tôn trọng dù người đó là ai.”

Giải thưởng Hòa bình Niwano được sáng lập năm 1983 để vinh danh và cổ vũ các cá nhân và tổ chức có những đóng góp có ý nghĩa vào việc tăng cường hợp tác và hiểu biến giữa các tôn giáo, để từ đó thúc đẩy sự nghiệp hòa bình thế giới. Để tránh những sự chú ý thái quá đối với bất kỳ một tôn giáo hay khu vực nào, các ứng viên được khoảng 700 người và tổ chức, đại diện cho 125 nước, bầu chọn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục