Lãnh đạo ngành chuẩn bị gì cho tương lai du lịch 6 tháng tới?

Ảnh hưởng của đại dịch khiến hầu hết các hoạt động du lịch trên cả nước bị đứt gãy và gián đoạn. Nhưng vượt qua 6 tháng doanh thu gần như về 0, lãnh đạo ngành đang lên kế hoạch cho 6 tháng cuối năm.
Du lịch Việt trong 6 tháng cuối năm liệu có cơ hội khởi sắc? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Du lịch Việt trong 6 tháng cuối năm liệu có cơ hội khởi sắc? (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2021, COVID-19 bùng phát đã gần như “quét sạch” bóng du khách quốc tế đến Việt Nam, làm đứt gãy hầu hết các đường bay thương mại trong nước với thế giới, "hủy diệt" toàn bộ nền kinh tế xanh vốn đã trở nên mong manh, yếu ớt từ hậu quả hai đợt dịch trước.

Trước bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch đã làm gì để chuẩn bị cho chặng đường đầy rẫy những khó khăn phía trước?

Thất thoát “không phanh”

Nói về hoạt động du lịch sáu tháng đầu năm 2021 trong cuộc họp tổng kết sáu tháng diễn ra mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, cho biết ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh khiến nhiều kế hoạch, sự kiện xúc tiến quảng bá điểm đến của các địa phương buộc phải tạm hoãn, chuyển thời gian tổ chức; hoạt động du lịch nội địa tại nhiều tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm lâm cảnh cầm chừng, doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh…

[“Mở cửa lại bầu trời” liệu có an toàn khi COVID-19 chưa kết thúc?]

Mặc dù trong tháng 3, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, giới thiệu điểm đến nhưng đợt dịch thứ 4 bùng phát quá bất ngờ trên diện rộng và khó kiểm soát hơn với nhiều biến chủng mới đã khiến du lịch nội địa trở tay không kịp.

Nếu những lần dịch trước doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về 0 và vẫn có thể cố cầm cự thì nay thậm chí
“cá lớn” cũng lâm cảnh nợ nần đầm đìa, tương lai chỉ thấy một màu xám xịt.

Lãnh đạo ngành chuẩn bị gì cho tương lai du lịch 6 tháng tới? ảnh 1Là người chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ 'khách Tây' nhưng đại dịch kéo dài khiến hoạt động sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ảnh hưởng lớn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hơn một năm rưỡi qua, du lịch Việt hầu như chỉ trông chờ vào thị trường nội địa. Vậy mà sáu tháng đầu năm nay, khách nội địa cũng chỉ đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 15,8 triệu khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt 134.000 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo từ các doanh nghiệp và địa phương, tính đến nay, khoảng 20% cơ sở lưu trú trên cả nước đã phải đóng cửa, gần 35% cơ sở lưu trú đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu của các điểm tham quan, vui chơi giải trí giảm khoảng 60%.

Điều đáng nói, du lịch đã không thể giữ chân nhân lực khiến một lực lượng không nhỏ lao động chất lượng cao buộc phải “dứt áo” sang các ngành nghề khác mưu sinh. Các chuyên gia tính toán thất thoát này phải mất hàng chục năm nữa mới có thể khôi phục lại như thời điểm 2019.

Giải pháp nào cho “tương lai xanh”?

Những tổn thất thật sự của nền kinh tế xanh là không thể đong đếm. Trong bối cảnh “khó tứ bề,” sáu tháng đầu năm nay, Tổng cục Du lịch tập trung xây dựng các văn bản, đề án như: Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng dự thảo Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; xây dựng đề án Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025... để chuẩn bị cho thời kỳ "hậu COVID-19."

Lãnh đạo ngành chuẩn bị gì cho tương lai du lịch 6 tháng tới? ảnh 2Cùng mong sao vùng trời bình yên sớm trở lại với nền kinh tế xanh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch phối hợp triển khai hoạt động liên quan đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” thực hiện liên thông, kết nối dữ liệu y tế về bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn và tìm kiếm tọa độ cho hệ thống cơ sở dữ liệu trên bản đồ…

Trong sáu tháng cuối năm, Tổng cục Du lịch đã đề ra 15 nhiệm vụ và nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng các giải pháp. Trong đó tập trung vào nhóm xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; sẵn sàng các phương án mở lại thị trường quốc tế; hỗ trợ địa phương phục hồi và phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; công tác quy hoạch du lịch; cơ cấu lại thị trường du lịch…

Tổng cục Du lịch cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chuyển đổi số trong ngành Du lịch để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Trước những khó khăn của toàn ngành, nhất là với các doanh nghiệp, người lao động đang chịu những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt mong ngành du lịch nỗ lực vượt qua thách thức, kịp thời ứng phó với mọi tình huống, sớm phục hồi và đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Lãnh đạo ngành chuẩn bị gì cho tương lai du lịch 6 tháng tới? ảnh 3Không khí náo nhiệt mà bất cứ ai làm nghề cũng đang thèm khát được trở lại. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Thứ trưởng nhấn mạnh Tổng cục Du lịch cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai hoạt động phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới; hướng dẫn địa phương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Bởi đó cũng là cách để tăng cường vai trò, vị thế của ngành đồng thời đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch, đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề; hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục