Lãnh đạo Nga, Belarus điện đàm về khủng hoảng người di cư

Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Lãnh đạo Nga, Belarus điện đàm về khủng hoảng người di cư ảnh 1Người di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã có cuộc điện đàm thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan.

Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.

Trước đó một ngày, nhà chức trách Belarus đã dỡ bỏ các khu lán trại tị nạn chính ở biên giới với Ba Lan, nơi người di cư đang tụ tập. Hãng thông tấn Belta ngày 19/11 cho biết khoảng 2.000 người di cư đã được chuyển tới trú tại một trung tâm logistics.

Tuy nhiên, nhà chức trách Ba Lan cùng ngày nói rằng một số người di cư vẫn đang cố gắng vượt biên từ Belarus vào nước này trong đêm, đi thành các nhóm nhỏ. Theo đó, một nhóm khoảng 500 người du cư đã vượt biên trong đêm.

Họ ném đá và hơi cay vào lực lượng an ninh Ba Lan, khiến 4 binh sỹ nước này bị thương. Lực lượng biên phòng đã bắt giữ 45 người di cư vượt biên và đã yêu cầu những người này rời khỏi Ba Lan.

[Belarus đề xuất kế hoạch nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng di cư]

Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây. EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.

Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.

Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu và Đức bác bỏ.

Trong diễn biến liên quan, ngày 19/11, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskiy cho rằng nước này nên dành một khoản trong ngân sách của năm tới để xây dựng một tường rào ở biên giới với Belarus và Nga, nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.

Theo Bộ trưởng Monastyrskiy, Ukraine đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận trong 2 tuần tới nhằm chuẩn bị cho tình huống người di cư cố vượt biên bất hợp pháp. Ukraine cảnh giác trước nguy cơ trở thành một điểm nóng mới trong cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục