Lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản hội đàm: Khẳng định quan hệ đồng minh

Cuộc gặp Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Mỹ sau thời gian lạnh nhạt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Washington, DC, ngày 16/4/2021 (giờ Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rạng sáng 17/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiến hành hội đàm tại Nhà Trắng.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo và là lần đầu tiên Tổng thống Biden tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức.

Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ Nhật-Mỹ sau thời gian lạnh nhạt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định củng cố quan hệ đồng minh, hợp tác trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.

[Thủ tướng Nhật công du Mỹ: Dấu hiệu của "thời kỳ trăng mật" mới]

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm, Tổng thống Biden cho biết Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, gene và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Ông nhấn mạnh: “Nhật Bản và Mỹ đều đầu tư mạnh vào đổi mới và hướng tới tương lai. Chính sách này bao gồm việc đảm bảo rằng chúng tôi đầu tư và bảo vệ những công nghệ sẽ duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh của chúng tôi.”

Lãnh đạo hai nước có kế hoạch đẩy mạnh hợp tác song phương để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn chất bán dẫn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các sản phẩm cần thiết đối với hàng hóa công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy mạng 5G đáng tin cậy.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập tới các vấn đề an ninh khu vực như hoạt động của Trung Quốc gây leo thang căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ quần đảo Senkaku của Nhật Bản tại Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền vào gọi là Điếu Ngư.

Tại buổi họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Suga nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí phản đối mọi nỗ lực làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc hành vi cưỡng ép tại Biển Đông và Biển Hoa Đông."

Với Bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, sau khi Bình Nhưỡng nối lại vụ thử tên lửa mà Washington và Tolyo cho là tên lửa đạn đạo vào tháng trước.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ tìm kiếm một giải pháp ngay lập tức đối với vấn đề Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Biden cho biết hai bên nhấn mạnh tăng cường hợp tác, góp phần đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai.

Trong khi đó, Thủ tướng Suga khẳng định mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ nằm trong khuôn khổ  các giá trị phổ quát như pháp trị và mối quan hệ song phương đó ngày càng trở nên quan trọng.

Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (thứ 2, phải) tại Washington, DC, ngày 16/4/2021 (giờ Mỹ). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu theo hình thức trực tuyến, dự kiến diễn ra vào tuần sau và do Tổng thống Biden chủ trì, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu thế giới trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Kể từ khi nhậm chức, ông đã đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm Donald Trump và đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu nhằm kêu gọi các nền kinh tế lớn nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến kiềm chế tốc độ nóng lên của Trái Đất.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đã chia sẻ mục tiêu đạt được trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và trọng tâm là đưa ra mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng vào năm 2030.

Thủ tướng Suga khẳng định hai nước sẽ dẫn đầu nỗ lực trung hòa carbon của thế giới.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Suga đã khẳng định quyết tâm của Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo vào mùa Hè này và Tổng thống Biden đã bày tỏ ủng hộ điều này.

Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với những hoài nghi trong và ngoài nước về việc thúc đẩy sự kiện thể thao toàn cầu giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục