Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 22/10 đã tới thăm Đức để thảo luận với các quan chức nước này về một loạt chủ đề đang thu hút sự chú ý của thế giới, từ chủ nghĩa khủng bố tới đại dịch Ebola.
Đây là lần thứ ba ông Kerry thăm Đức kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm ngoái.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel cho biết bà và ông Kerry đã thảo luận các biện pháp chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, vấn đề hạt nhân của Iran, đại dịch Ebola, tương lai của Afghanistan và cuộc khủng hoảng giữa Ukraine và Nga. Bà Merkel cảm ơn sự hợp tác tích cực của Mỹ, đồng thời khẳng định các cuộc xung đột trên thế giới chỉ có thể giải quyết trên cơ sở cùng hợp tác chặt chẽ giữa các nước.
Về phần mình, ông Kerry đánh giá cao năng lực lãnh đạo của bà Merkel cũng như các nỗ lực của Đức trong giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt. Theo ông Kerry, Berlin đã hỗ trợ cả về nhân lực, chuyên gia, phương tiện và tiền bạc trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola. Đức cũng luôn đi đầu trong nỗ lực ngoại giao tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt đã giúp kết nối trực tiếp giữa hai Tổng thống Ukraine và Nga để đi tới Hiệp định Minsk, góp phần giảm leo thang xung đột. Ngoài ra, Đức cũng là đối tác quan trọng trong nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cộng với Đức) về đàm phán hạt nhân với Iran. Ông Kerry khẳng định Đức luôn là đối tác của Mỹ trong giải quyết những thách thức lớn hiện nay trên thế giới.
Trước cuộc gặp với bà Merkel, ông Kerry đã có cuộc hội đàm sâu rộng với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier, tập trung thảo luận về cuộc chiến chống IS và xung đột ở miền Đông Ukraine. Ông Steinmeier cho rằng cuộc xung đột này vẫn có nguy cơ đe dọa trật tự hòa bình ở châu Âu. Ông kêu gọi các bên liên quan thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine, rút binh sỹ và vũ khí hạng nặng khỏi vùng đệm và trao trách nhiệm giám sát vùng biên giới cho các máy bay không người lái của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Theo các nhà quan sát, sau những căng thẳng liên quan các hoạt động nghe lén và do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Đức, Berlin và Washington đã xích lại gần nhau hơn để cùng đối phó với hàng loạt thách thức trên thế giới hiện nay. Nhiều nghị sỹ Đức cho rằng khủng hoảng đã cho Mỹ thấy rõ vai trò đối tác của châu Âu cũng như Đức, đồng thời tạo nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Berlin và Wasington./.