Theo AFP, ngày 20/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua với một vị Thủ tướng của Israel, trong đó Thủ tướng Israel Yair Lapid tìm kiếm sự hỗ trợ của ông Erdogan đối với vấn đề công dân Israel bị lực lượng Hồi giáo Hamas của Palestine bắt giữ.
Cuộc gặp diễn ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc - 1 tháng sau khi hai nước thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm căng thẳng.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết tại cuộc hội đàm, ông Lapid "đã nêu vấn đề người Israel mất tích và bị giam giữ cùng với tầm quan trọng của việc đưa họ trở về nhà."
Nhà lãnh đạo Israel cũng nêu quan ngại về Iran và "cảm ơn Tổng thống Erdogan vì sự hợp tác tình báo."
Hồi năm 1949, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia có đa số người Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước trở nên căng thẳng dưới thời Erdogan. Lần gần đây nhất ông gặp một vị Thủ tướng Israel là vào năm 2008.
[Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới cải thiện quan hệ]
Ngày 17/8, Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid thông báo nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao và sẽ cử đại sứ của mỗi nước tới nước còn lại trong bối cảnh quan hệ song phương cải thiện ổn định.
Thông báo có đoạn nêu rõ việc Israel nối lại quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định khu vực và là thông tin kinh tế rất tích cực cho người dân Israel, góp phần thúc đẩy liên kết giữa người dân hai nước, mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa và củng cố an ninh khu vực.
Kế hoạch chi tiết đã được hai bên nhất trí trong một cuộc điện đàm giữa Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Alon Ushpiz và Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal diễn ra tối 16/8.
Ngay sau thông báo từ phía Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel sau một thập kỷ căng thẳng đồng thời khẳng định quyết định này không đồng nghĩa rằng Ankara ngừng ủng hộ người Palestine.
Trong tuyên bố mới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho rằng việc mỗi nước cử đại sứ tới nước còn lại đóng vai trò quan trọng trong cải thiện quan hệ song phương. Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và vẫn đặt đại sứ quán tại Tel Aviv.
Ông Cavusoglu cho biết đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được bổ nhiệm sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan xem xét danh sách các đề cử được đưa lên.
Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1949 trước khi rạn nứt từ năm 2010 sau vụ việc lực lượng Israel bố ráp một tàu đội tàu nhỏ do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn dầu bị cho là vi phạm lệnh phong tỏa Dải Gaza, khiến 10 người thiệt mạng. Quan hệ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều dấu hiệu cải thiện ổn định trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Trước đó, vào tháng 3, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Ankara và tổ chức các cuộc hội đàm với người đồng cấp Erdogan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008./.