Lãnh đạo IMF và WB khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác với AIIB

Chủ tịch WB Jim Yong-kim và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hoan nghênh sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sẵn sàng tăng cường hợp tác với thể chế này.
Lãnh đạo IMF và WB khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác với AIIB ảnh 1Chủ tịch WB Jim Yong-kim và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: IMF)

Giới chức lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 16/4 đã lên tiếng khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng nhằm phát huy những tiềm năng to lớn trong khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 16/4 trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF-WB, Chủ tịch WB Jim Yong-kim đánh giá nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển là rất lớn, đặc biệt tại châu Á và đây là cơ hội lớn đối với AIIB.

Ông nhấn mạnh hiện tại, WB vẫn có nhiều kinh nghiệm cũng như chuyên môn cao hơn so với AIIB và thể chế tài chính này luôn sẵn sàng hợp tác với AIIB trong quá trình chuẩn bị triển khai các dự án.

Cùng chung quan điểm trên, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cùng ngày cũng hoan nghênh sự ra đời của AIIB, cho rằng đề xuất thành lập một thể chế tài chính chuyên biệt với sứ mệnh thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực là "một sự gợi ý hấp dẫn." Bà Lagarde khẳng định IMF ủng hộ việc các nền kinh tế mới nổi thành lập một định chế đa phương và luôn sẵn sàng hợp tác với AIIB trong thời gian tới.

Tuyên bố trên của hai nhà lãnh đạo IMF và WB được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại châu Á, đang ngày càng tỏ ra không mấy hài lòng với hai thể chế tài chính này bởi các khoản vay thường đi kèm với các điều kiện ngặt nghèo cùng với tiếng nói không có trọng lượng trong các thể chế trên.

Giới chuyên gia nhận định việc AIIB ra đời đặt thêm gánh nặng đẩy mạnh cải cách đối với IMF và WB nhằm trao thêm quyền lợi cho các nền kinh tế mới nổi cũng như đảm bảo các nước thành viên được hưởng các cơ hội ở trong đó.

AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh với phần lớn vốn đầu tư ban đầu từ Trung Quốc. Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Hiện đã có 57 quốc gia đăng ký làm thành viên sáng lập ngân hàng này.

Các thành viên sáng lập AIIB có quyền tham gia đề ra các quy định hoạt động của ngân hàng này, trong khi các nước nộp đơn xin gia nhập sau ngày 31/3 sẽ là các thành viên thông thường và chỉ có quyền bỏ phiếu chứ không có nhiều tiếng nói trong quá trình đề ra quy định.

Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm nay sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận.

Sáng kiến thành lập AIIB được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2013 với mục tiêu giảm bớt phụ thuộc tài chính vào WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục