Ngày 31/7, tại Hội nghị giao ban công tác tháng 7 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho biết trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tham mưu hoàn thành xong hai kỳ thi tuyển cấp xã và công chức hành chính tại các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện.
Thời gian tới, Sở sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ thành phố giao về tuyển dụng giáo viên làm việc tại các trường công lập khối quận, huyện.
Theo đề nghị của các quận, huyện, thị xã, chỉ tiêu đăng ký tuyển dụng giáo viên là 11.182 chỉ tiêu. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện rà soát, đảm bảo tuyển dụng đúng quy định của pháp luật.
[Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lo ngại tính minh bạch của vòng phỏng vấn]
Qua rà soát, toàn thành phố hiện có khoảng 2.923 giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; trong đó, số hợp đồng trên 5 năm là gần 800 người.
Thực hiện Quyết định số 3455/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các quận, huyện đã rà soát và đăng ký hình thức tuyển dụng, trong đó, 21 quận, huyện đăng ký hình thức thi tuyển; 9 quận, huyện đăng ký xét tuyển theo Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ.
Về việc này, Sở sẽ có báo cáo tổng thể xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đảm bảo việc tuyển dụng thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, kịp thời bố trí giáo viên đứng lớp trong năm học mới 2019-2020.
Trước đó, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, liên quan đến trường hợp giáo viên tại các huyện ở Hà Nội đã ký hợp đồng lao động lâu năm nhưng không được xét tuyển viên chức..., Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Bộ Nội vụ đã giao thành phố xét tuyển với các trường hợp này.
Thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm cùng một số điều kiện cụ thể như: Là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; đảm bảo sức khỏe; năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
Đang xác định vùng thu phí phương tiện giao thông vào nội đô
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết về chủ trương triển khai thu phí phương tiện giao thông vào nội đô, hiện thành phố chưa có thông tin chính thức việc đề xuất đường Vành đai 3 để xác định vùng thu phí.
Việc thu phí vào nội đô là một trong những giải pháp đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua. Để thực hiện chủ trương này, Hà Nội đang xác định vùng thu phí, đối tượng, phương thức thu phí và đánh giá các tác động liên quan.
Về việc thu phí phương tiện vào nội đô, thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính; Bộ Tài chính đã có văn bản cho phép Hà Nội xây dựng đề án.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định việc thu phí là khó nhưng phải nghiên cứu, triển khai nhằm hạn chế phương tiện vào nội đô, dự kiến đến năm 2030 sẽ thực hiện.
Sở sẽ thận trọng nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước khi thông báo chính thức.
Các giải pháp hạn chế phương tiện khác như tính giá lũy tiến trong thu phí trông giữ phương tiện, tăng phí sử dụng đường theo khu vực... đều đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua trong lộ trình hạn chế phương tiện giao thông vào nội đô, tầm nhìn đến năm 2030.
Giám sát chặt chẽ việc tái đàn sau khi hết dịch tả lợn châu Phi
Liên quan đến dịch bệnh tả lợn châu Phi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết có 121 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, thị xã không phát sinh thêm sau 30 ngày, đồng thời khẳng định: "Không có chuyện do lợn chết hết rồi nên dịch giảm."
Lý giải nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi đã "hạ nhiệt," Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội cho biết có được điều này là do sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt người dân làm tốt công tác cách ly, dập dịch. Ngoài ra, cơ chế miễn dịch của lợn đã tốt hơn sau một thời gian xảy ra dịch bệnh.
Thành phố Hà Nội đã cấp hỗ trợ bổ sung cho các quận, huyện, thị xã để hỗ trợ người dân. Cụ thể, trước đây, mức tiền hỗ trợ cho cán bộ, nhân dân thực hiện công tác phòng chống dịch là 100.000 đồng vào ngày thường và 200.000 đồng vào ngày lễ, hiện nay đã được nâng lên gấp đôi.
Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chưa tái đàn vào thời điểm này, Sở cũng như các cấp, ngành sẽ giám sát chặt chẽ việc tái đàn theo quy định, không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội khẳng định./.