Lý giải việc đường dây 500kV Vĩnh Tân-Vân Phong chưa thể khởi công

Lãnh đạo EVNNPT: Gấp rút khởi công đường dây 500kV Vĩnh Tân-Vân Phong

Ông Bùi Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc đã trao đổi với báo chí xung quanh những vướng mắc khiến Dự án đường dây 500 kV Nhiệt điện Vĩnh Tân-Vân Phong chưa thể khởi công.
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Dự án đường dây 500kV Nhiệt điện Vĩnh Tân-Vân Phong được xem là dự án trọng điểm của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong năm 2021. Tuy nhiên, dự án hiện nay vẫn còn những vướng mắc chưa thể khởi công.

Ông Bùi Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNNPT đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, xin ông cho biết quy mô, tầm quan trọng của dự án này?

Ông Bùi Văn Kiên: Dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân là dự án cấp bách có tầm quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Trung tâm điện lực Vân Phong; trong đó có Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 – Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong, nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái và công suất nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.

Sau khi hoàn thành, dự án góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, từ đó tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, tối ưu hóa trong vận hành hệ thống điện quốc gia.

Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép dài khoảng 172,5km với điểm đầu là Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong và điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân. Ngoài ra, dự án còn xây dựng và lắp đặt các thiết bị khác đảm bảo quản lý vận hành đạt hiệu quả nhất sau khi hoàn thành.

- Dự án này phải hoàn thành trong năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công được. Vậy, những vướng mắc của dự án này là gì và dự kiến khi nào khởi công, thưa ông?

Ông Bùi Văn Kiên: Theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, dự án này phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa khởi công do nhiều vướng mắc.

Trong đó, điển hình nhất là khó khăn về thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án. Sau 44 tháng kể từ khi chủ đầu tư có tờ trình lần đầu, dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019.

[EVN đẩy nhanh tiến độ công trình đường dây trọng điểm]

Ngay sau khi chủ trương đầu tư của dự án được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT đã tổ chức lập, thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS) theo thủ tục, trình tự quy định.

Tháng 11/2019, thiết kế cơ sở của dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định và kết luận “phù hợp với quy hoạch được duyệt, có giải pháp thiết kế hợp lý, đáp ứng cơ bản các yêu cầu kỹ thuật hiện hành.”

Tháng 2/2020, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được EVN trình lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tháng 7/2020, Ủy ban Quản lý vốn đã có văn bản gửi EVN để thực hiện quyền, trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư. Tháng 8/2020, Hội đồng thành viên EVN đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tháng 12/2020, EVNNPT đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình. Hiện nay, EVNNPT đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp, dự kiến nếu không có vấn đề phát sinh mới thì sẽ ký kết hợp đồng và khởi công dự án trong quý 2 năm 2021.

- Khởi công muộn, trong khi thời gian thi công chỉ còn khoảng 1,5 năm cùng với việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong thi công, vậy giải pháp EVNNPT sẽ triển khai ngay sau khi khởi công dự án này là gì?

Ông Bùi Văn Kiên: Đúng là thời gian thi công dự án rất ngắn so với các dự án có quy mô và tính chất tương tự. Tuy nhiên, thời hạn phải hoàn thành đóng điện đã được cam kết với chủ đầu tư nên để đảm bảo tiến độ, lãnh đạo EVN và EVNNPT sẽ trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án.

EVNNPT đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án đồng bộ với Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong, giúp lãnh đạo EVNNPT chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đề ra và áp dụng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung sẽ trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung sẽ thành lập hai Ban Tiền phương tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận để điều hành dự án; pphốihợp với các đơn vị và địa phương có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu, chủ động theo dõi chỉ đạo, hỗ trợ cho các nhà thầu trong bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế phát sinh trên công trường.

Lãnh đạo EVNNPT: Gấp rút khởi công đường dây 500kV Vĩnh Tân-Vân Phong ảnh 1 Dự án Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 (thuộc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong). (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Đối với giải phóng mặt bằng, EVNNPT và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã triển khai làm việc với các cấp chính quyền địa phương để báo cáo tình hình triển khai dự án; đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chủ đầu tư thực hiện ngay sau khi có hồ sơ đo đạc.

Đến nay, việc đo đạc giải thửa đã cơ bản hoàn thành và đang trình Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thẩm định. EVNNPT và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã đề xuất các tỉnh thành lập tổ chuyên trách về bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án; khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định để bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến theo kế hoạch cho các nhà thầu xây lắp; thường xuyên phối hợp, rà soát tiến độ.

- Dự án đi qua 2 tỉnh gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận và sẽ đi qua nhiều khu vực đất rừng. Trong khi đó, thời gian qua thủ tục chuyển đổi đất rừng các dự án truyền tải điện thường kéo dài, mất nhiều thời gian. Vậy EVNNPT có giải pháp gì đối với vấn đề này?

Ông Bùi Văn Kiên: Dự án được áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới rừng. Các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định đang được EVNNPT và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cũng như các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai.

Cụ thể, tư vấn đã tập trung nhân lực ngay từ ban đầu để phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng rừng theo đúng tiến độ đề ra.

Các đơn vị đã chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để đẩy nhanh thời gian xem xét, thẩm tra, thẩm định hồ sơ; trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trong thời gian sớm nhất.

- Để dự án đảm bảo đúng tiến độ, EVNNPT có đề xuất gì với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thưa ông?

Ông Bùi Văn Kiên: Theo kế hoạch, Dự án đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân phải hoàn thành trong năm 2022 để kịp giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Nếu không đáp ứng tiến độ, EVN và EVNNPT sẽ phải chi trả cho Nhà máy này hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Việt Nam sẽ phải mua lại toàn bộ nhà máy nếu tiến độ chậm quá một năm, việc này sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Chính vì vậy, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, EVNNPT kiến nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, các bộ, ngành có liên quan và Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng dự án khi các địa phương trình hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ có văn bản hoặc công điện chỉ đạo chính quyền các địa phương hỗ trợ EVN, EVNNPT, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án trong giải phóng mặt bằng để đảm bảo hoàn thành dự án đưa vào vận hành trong năm 2022.

Đối với các địa phương, EVNNPT kiến nghị tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận. Đồng thời, cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục