Lãnh đạo EU hối thúc Anh không rời bỏ liên minh

Lãnh đạo các nước Ireland, Italy và Hà Lan hối thúc Anh ở lại EU, sau khi Thủ tướng Anh cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.
Lãnh đạo các nước Ireland, Italy và Hà Lan đã lên tiếng hối thúc Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), sau khi Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của "quốc đảo sương mù".

Phát biểu ngày 24/1 tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở thành phố Davos của Thụy Sĩ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo nếu từ bỏ tư cách thành viên của liên minh gồm 27 quốc gia này thì Anh sẽ trở thành "hòn đảo" cô độc ở giữa Đại Tây Dương mà không thể trở thành cầu nối giữa Mỹ và châu Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nói chung.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Ireland Enda Kenny nhấn mạnh Anh sẽ vẫn là trung tâm của EU và liên minh này sẽ trở nên mạnh hơn nếu nước này vẫn là một phần trong đó.

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Mario Monti lại bày tỏ tin tưởng rằng người dân Anh sẽ lựa chọn con đường tiếp tục mối quan hệ tế nhị với Brussels, bởi vì quay lưng với EU cũng đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều lợi ích kinh tế.

Trước đó, Thủ tướng Cameron tuyên bố London (London) không quay lưng với EU mà mong muốn có cuộc cải cách khẩn cấp để giúp EU trở nên cạnh tranh hơn, linh hoạt hơn và bảo đảm Anh có vị trí vững chắc trong đó, đồng thời hối thúc lãnh đạo lục địa già ủng hộ kế hoạch của ông tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này vào cuối năm 2017 nếu đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Tuyên bố này đã bị nhiều chính trị gia châu Âu chỉ trích gay gắt vì cho rằng ông Cameron đang "đùa với lửa" khi tìm cách "bắt bí" EU phải thương lượng lại về vai trò của Anh trong liên minh này.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng EU là một "cộng đồng cùng chung số phận," chứ không chỉ là một tập hợp những lợi ích quốc gia, vì vậy không thể mỗi nước chỉ chọn điều có lợi cho mình. Đức và Anh có một ý chí chung là thiết lập một châu Âu tốt đẹp hơn, và Chính phủ Đức mong muốn nước Anh ở lại trong EU với tư cách là một đối tác tích cực và xây dựng.

Chính phủ Đức mong muốn cải cách mạnh mẽ liên minh kinh tế và liên minh tiền tệ sau hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ và tài chính. Nhưng theo góc độ của Đức, châu Âu cần tăng cường hội nhập hơn nữa, chứ không phải giảm đi.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng ông Cameron đang chơi "một trò chơi nguy hiểm vì những lý do chiến thuật trong nước."

Còn ông Guy Verhofstadt, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ đảng Tự do trong Nghị viện châu Âu, cho rằng thủ tướng Anh đang "đùa với lửa" vì không thể có việc thương lượng riêng với từng nước về việc có thể tách ra khỏi từng lĩnh vực chính trị nào đó hay không.

Báo chí Đức cho rằng nếu Anh ra khỏi EU, trước mắt, nước này sẽ tiết kiệm được 8 tỷ bảng Anh đóng góp cho liên minh, nhờ đó, giá thực phẩm có thể rẻ hơn, những quy định về thị trường lao động nhằm bảo vệ người lao động mà Anh rất khó chịu sẽ không còn giá trị. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn các ngân hàng sẽ không còn và thị trường tài chính London có thể trở thành "đất thánh" của đầu cơ tài chính.

Tuy nhiên, nước này sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về chính trị cũng như kinh tế. Người nông dân Anh sẽ phải từ bỏ hàng tỷ tiền trợ giá của EU. Các doanh nghiệp Anh phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu họ muốn bán các sản phẩm của mình trong EU.

Điều này trước hết liên quan tới các nhà sản xuất ôtô và máy bay, hai ngành kinh tế lớn. Các tập đoàn quốc tế sẽ phải suy nghĩ kỹ tới việc có mở cửa nhà máy tại Anh trong những điều kiện này hay không./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục