Lãnh đạo Đức, Pháp ủng hộ Hy Lạp ở lại Eurozone

Kết thúc cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp thống nhất quan điểm ủng hộ Hy Lạp tiếp tục ở lại Eurozone.
Kết thúc các cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande thống nhất quan điểm ủng hộ Hy Lạp tiếp tục ở lại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), song chưa có câu trả lời về đề nghị của Hy Lạp trong vấn đề kéo dài thời hạn thực hiện các biện pháp khắc khổ.

Bà Merkel khẳng định Hy Lạp là một phần của liên minh tiền tệ và muốn điều này sẽ tiếp tục, đồng thời cam kết về sự hỗ trợ của Đức cho nước này.

Bà rất tin tưởng rằng Hy Lạp sẽ làm tất cả để giải quyết những vấn đề của đất nước. Ông Hollande cũng có cùng quan điểm với bà Merkel về tương lai của Hy Lạp trong Eurozone, song nói rằng nước này phải chứng minh được mức độ tin cậy của chương trình cải cách kinh tế và cắt giảm chi tiêu.

Ông cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ chờ báo cáo được công bố vào tháng tới về tiến triển của Hy Lạp trong vấn đề này để quyết định có giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá 31,5 tỷ euro hay không.

Để nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Hy Lạp đã cam kết tiến hành những cải cách sâu rộng và phải tiết kiệm chi tiêu 11,5 tỷ euro trong hai năm 2013 và 2014.

Tuy nhiên, khi thâm hụt ngân sách đã lên tới gần 14 tỷ euro và nền kinh tế đã suy thoái trong năm thứ 5, với mức suy giảm dự kiến khoảng 7% trong năm nay, ông Samaras muốn có thêm hai năm nữa để thực hiện cam kết đó.

Trong các cuộc gặp vừa qua, cả hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã không có câu trả lời trực tiếp cho đề nghị này của Thủ tướng Hy Lạp.

Ông Samaras cam kết sẽ thực hiện các mục tiêu giảm nợ và hoàn thành các cải cách cơ cấu đang được tiến hành.

Ông cho rằng Hy Lạp sẽ không bị buộc phải ra khỏi Eurozone, khi đây sẽ là một thảm họa mang tính dây chuyền cho cả châu Âu.

Hy Lạp sẽ vẫn phải tuân thủ các yêu cầu trong thỏa thuận cứu trợ là sẽ đưa thâm hụt ngân sách xuống 7,3% GDP trong năm 2012, 4,6% trong năm 2013 và 2,1% trong năm 2014, trong khi các mục tiêu về nợ tương ứng là 162,1%, 165,4% và 162,4% GDP.

Hy Lạp cũng được yêu cầu cho đến năm 2015 phải tinh giản biên chế 150.000 người và tư nhân hóa số tài sản nhà nước trị giá 19 tỷ euro./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục