Lãnh đạo châu Phi kêu gọi lập tức chấm dứt xung đột tại Libya

Ngày 23/4, trong cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Cairo của Ai Cập, các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi các phe phái ở Libya lập tức ngừng bắn.
Ô tô bị phá hủy sau một vụ tấn công ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ô tô bị phá hủy sau một vụ tấn công ở Tripoli, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, trong cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Cairo của Ai Cập, các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi các phe phái ở Libya lập tức ngừng bắn.

Đây là lần đầu tiên các nước châu Phi tiến hành họp cấp cao liên quan các diễn biến nghiêm trọng hiện nay tại Libya.

Cuộc họp có sự tham dự của các quan chức cấp cao từ các quốc gia trên khắp châu Phi, trong đó bao gồm cả Nam Phi, Nigeria và Ethiopia.

Tại cuộc họp, Tổng thống Ai Cập - quốc gia hiện đang là Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) - ông Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ nhằm tránh để Libya "rơi vào vòng xoáy hỗn loạn."

[Libya: Đụng độ lớn nổ ra ở ngoại ô phía Nam thủ đô Tripoli]

Tổng thống Sisi đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc trao quyền lực hợp pháp cho lực lượng quân đội quốc gia Libya và cảnh sát để thực thi vai trò của họ trong việc đảm bảo an toàn và ổn định ở nước này.

Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gánh vác trách nhiệm nhằm bảo đảm cho sự khởi đầu của tiến trình đàm phán chính trị giữa các phe phái ở Libya.

Trong khi đó, giới chức các nước tham dự cùng nhất trí kêu gọi các bên liên quan tại Libya kiềm chế các hành động gây đổ máu, tiến hành "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện" và tạo thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại quốc gia này.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.

Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.

Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các cuộc giao tranh từ đầu tháng này đã khiến 264 người thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương.

Trong khi đó, Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết hơn 35.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do các cuộc giao tranh. Liên hợp quốc cảnh báo tình hình xung đột đang có chiều hướng ngày một lan rộng hơn tại Libya./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục