Lãnh đạo các nước quan ngại sâu sắc về hoạt động khủng bố

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần 69, vấn đề khủng bố và chống khủng bố đã được hầu hết lãnh đạo các nước đề cập tới khi thế giới đang phải đối phó với IS.
Lãnh đạo các nước quan ngại sâu sắc về hoạt động khủng bố ảnh 1Tổng thống Mỹ Obama phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)

Tại phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 69, vấn đề khủng bố và chống khủng bố đã được hầu hết lãnh đạo các nước đề cập tới trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với một tổ chức khủng bố tàn bạo mới là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xu hướng gia tăng các tay súng nước ngoài tham gia vào các tổ chức cực đoan.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh đến những mất mát to lớn do các hoạt động khủng bố gây ra, đồng thời nhấn mạnh đến sự "lép vế" của các giải pháp ngoại giao do quan điểm cực đoan và hành động hung hăng của "những kẻ tin vào bạo lực" và những người bị những kẻ cực đoan lợi dụng.

Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, ngoài yếu tố khủng bố thì cuộc xung đột tại Ukraine, người tị nạn ở Syria và một số điểm nóng khác cũng là những vấn đề rất được thế giới quan tâm.

Tổng thống Mỹ Obama khẳng định khủng bố không phải là vấn đề mới đối với thế giới nhưng hiện nay đã phát triển lên cấp độ cao hơn.

Theo ông, thế giới đang phải đối mặt với tư tưởng độc hại của những kẻ cực đoan đang xuyên tạc và lợi dụng tôn giáo. Các đối tượng khủng bố đang âm mưu phân chia thế giới thành hai phe: tín đồ và “những kẻ ngoại đạo.”

Người đứng đầu Nhà Trắng cảnh báo với khả năng tiếp cận khoa học công nghệ hiện nay, một nhóm nhỏ cũng có thể gây ra những thiệt hại vô cùng lớn. Vì vậy, thế giới cần có nỗ lực tập thể trong đấu tranh chống khủng bố, chống những kẻ gây chia rẽ chủng tộc, tôn giáo."

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi nhấn mạnh tới việc thực thi các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng pháp quyền, đảm bảo đồng thuận xã hội và sự thụ hưởng tất cả các quyền, đặc biệt là quyền phát triển, của các quốc gia trong đấu tranh chống khủng bố. Điều này sẽ giúp cho các xã hội tránh rơi vào chủ nghĩa cực đoan hoặc gia tăng bất mãn, bạo loạn.

Ông Al Sisi cũng kêu gọi đấu tranh mạnh mẽ với các lực lượng khủng bố, cực đoan; cương quyết chống lại sự áp đặt, đe dọa sử dụng hoặc sử dụng bạo lực, hoặc ép buộc dưới mọi hình thức.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho rằng việc sử dụng các biện pháp chống khủng bố phải tôn trọng và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Bà nhấn mạnh công tác này phải được thực hiện ngay và thực hiện một cách bền bỉ. Nhà lãnh đạo Chile cũng kêu gọi các nước cần làm tốt công tác giáo dục, xóa bỏ bất bình đẳng, tạo điều kiện để những người yếu thế trong xã hội hòa nhập tốt hơn.

Ngoài vấn đề chống khủng bố, trong các bài phát biểu của mình, lãnh đạo và đại diện của các nước cũng nêu quan điểm về nhiều vấn đề nóng của thế giới như chung tay chống biến đổi khí hậu; cứu trợ thiên tai; ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch Ebola; đảm bảo an toàn hạt nhân; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục