Theo AFP, ngày 13/3, các nhà lãnh đạo và tín đồ Công giáo trên thế giới đã hoan nghênh việc ông Jorge Mario Bergoglio, người Argentina, được bầu làm Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh, đồng thời kêu gọi ông Bergoglio giúp phát triển nền hòa bình. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi Giáo hoàng Francis I là "chiến sỹ của người nghèo" và nêu rõ: "Là Giáo hoàng đầu tiên của châu Mỹ, việc ông được lựa chọn... cho thấy sức mạnh và tầm quan trọng của một khu vực đang ngày càng góp phần định hình thế giới... Tôi trông chờ được làm việc cùng Ngài để thúc đẩy hòa bình, an ninh và phẩm giá cho nhân loại." Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, một người Công giáo, đã được lựa chọn làm người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự lễ nhậm chức của tân Giáo hoàng vào ngày 21/3. Tại Argentina, Tổng thống Cristina Kirchner, người có quan hệ cá nhân không thật sự nồng ấm với tân Giáo hoàng, đã chúc giáo sĩ dòng Tên 76 tuổi này có "một sứ mệnh giám mục thành công." Ở Buenos Aires, đám đông sùng đạo tập trung tại thánh đường chính của thủ đô trên quảng trường lịch sử Plaza de Mayo đã hò reo phấn khích và đứng lên vỗ tay hoan nghênh sau khi biết tin mừng từ Tòa thánh Vatican. [Đức Hồng y Argentina đã trở thành Giáo hoàng mới] Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố Liên hợp quốc và Giáo hội Công giáo La Mã có những "mục tiêu chung" trong phát triển hòa bình, công bằng xã hội và nhân quyền, cũng như việc trừ tận gốc nạn đói nghèo. Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Châu Âu Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Barroso đã kêu gọi tân Giáo hoàng giúp đưa "nhân dân thế giới và các tôn giáo lại gần nhau hơn." Các nhà lãnh đạo Colombia, Ecuador và Mexico cũng đã đồng loạt bày tỏ hoan nghênh ông Bergoglio, người được lựa chọn sau năm vòng bầu chọn tại Vaticăng. Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khẳng định Paris mong muốn có thể "đối thoại tin tưởng" với tân Giáo hoàng./.
(Vietnam+)