Trước những diễn biến phức tạp tại các thành phố miền Đông Ukraine, lãnh đạo một loạt cường quốc trên thế giới ngày 14/4 đã điện đàm kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tìm giải pháp tháo ngòi căng thẳng.
Sau các cuộc điện đàm riêng rẽ giữa Thủ tướng Anh David Cameron với người đồng cấp Đức Angela Merkel và người đồng cấp Pháp Francois Hollande, người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết 3 nhà lãnh đạo nhất trí cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc - dự kiến diễn ra vào ngày 17/4 tới ở Bỉ giữa đại diện Nga, Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) - là cơ hội quan trọng để Nga thể hiện cam kết đối thoại và tránh leo thang căng thẳng ở Ukraine.
Ba nhà lãnh đạo cho rằng việc người biểu tình chiếm các trụ sở của chính quyền địa phương ở các thành phố Donetsk, Lugansk và Kharkov thuộc miền Đông Ukraine để gây sức ép đòi tiến hành trưng cầu ý dân về quyền tự trị nhiều hơn và thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Nga là hành động "trái phép và nguy hiểm." Họ đồng thời kêu gọi các bên thực hiện mọi việc cần thiết để tháo ngòi căng thẳng.
Phản ứng trước thông báo của Chính phủ Anh, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga không quan tâm đến việc can dự vào các công việc nội bộ của Ukraine.
Tại cuộc họp báo ở Moskva, ông Lavrov nhấn mạnh Nga ủng hộ cải cách hiến pháp sâu ở Ukraine mà tất cả các lực lượng chính trị và tất cả các vùng đều tham gia trên cơ sở bình đẳng.
Trước diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn tại các tỉnh miền Đông Ukraine, ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hạ nhiệt tình hình leo thang tại quốc gia láng giềng của Nga.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin, trong cuộc điện đàm, đã lưu ý với Tổng thống Obama rằng những tin tức về việc Nga đang can thiệp vào Ukraine là “dựa trên những thông tin không chính xác.”
Thông báo của phía Nga khẳng định các cuộc biểu tình ở một số tỉnh của Ukraine là do chính quyền tại Kiev “không có thiện chí và không có khả năng trong việc tính tới lợi ích của Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine. Tổng thống Putin hối thúc Tổng thống Obama sử dụng ảnh hưởng và khả năng của Mỹ để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu tại Ukraine.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp Hollande cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh mọi hành động khiêu khích; đồng thời nhấn mạnh lập trường của Pháp quyết tâm cùng các đồng minh châu Âu áp đặt và từng bước thực hiện các biện pháp trừng phạt Moskva.
Về phần mình, Chính phủ Đức đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về diễn biến mới ở Ukraine, kêu gọi Nga và các bên tham gia cuộc gặp sắp tới của Nhóm tiếp xúc giúp ổn định tình hình ở Ukraine. Thông báo nhấn mạnh Nga có "trách nhiệm đặc biệt" trong việc ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Ukraine và giúp ổn định hình hình ở nước này./.