Lãnh đạo Bộ Công Thương: Phải kiên quyết làm trong sạch bộ máy QLTT

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng, thực hiện cơ chế, giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, nghiệp vụ thường xuyên, đột xuất; xử lý nghiêm sai phạm
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại buổi làm việc trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường và 63 Cục Quản lý thị trường trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu toàn ngành nhìn nhận đúng những sai phạm xảy ra vừa qua. Mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc khi sự việc lại xảy ra với ngành mình để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân.

Ông nhấn mạnh, phải xây dựng được lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại trong thời gian tới, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương.

Tinh gọn, đảm bảo hiệu quả

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bổ nhiệm cán bộ toàn lực lượng, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để tập trung hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Tính đến hết tháng 7/2021, đã bổ nhiệm chính thức 32 Cục trưởng, 25 Quyền Cục trưởng và 6 phụ trách Cục. Đặc biệt, công tác bộ máy đã được tinh gọn, từ 681 xuống 376 Đội Quản lý thị trường (giảm 45%).

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng kiểm tra 41.702 vụ, xử lý 25.596 vụ vi phạm (tỷ lệ số vụ xử lý/ số vụ kiểm tra đạt hơn 61%). Thu nộp ngân sách 192 tỷ đồng, tăng 11%.

[Tạm giữ 40 tấn hàng nghi nhập lậu tại 8 địa điểm ở Hưng Yên, Hà Nội]

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Đó là nhận thức Quản lý thị trường chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm. Ngoài ra, có một số yếu tố khách quan như lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, có đội địa bàn 3-4 huyện, phương tiện chưa đủ; hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ...

Với thực tế đó, ông Trần Hữu Linh cho rằng: “Đã đến lúc cần xác định lại khái niệm Quản lý thị trường mang tính giám sát cảnh báo, dự báo, kiểm tra cả khâu sản xuất. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ…”

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng Quản lý thị trường cần quan tâm hơn nữa đến đạo đức công vụ. Coi đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, lực lượng này phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết trong toàn lực lượng và quan tâm đến sức khỏe của cán bộ Quản lý thị trường ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch.

Trong khi đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị phải kiên quyết làm trong sạch bộ máy, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Quản lý thị trường.

Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu, người đứng đầu Tổng cục, Cục Quản lý thị trường các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm gương cho cán bộ, công chức cấp dưới.

Xử lý nghiêm các sai phạm

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận nhiều đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một số đơn vị, cá nhân đã lập chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Diên chỉ ra những tổn tại, hạn chế của lực lượng này là tính chủ động và chất lượng tham mưu, đề xuất đối với cấp có thẩm quyền chưa cao.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng né tránh, thỏa hiệp, ngại va chạm khi xử lý các vấn đề, vụ việc theo thẩm quyền; tiêu cực trong thi hành công vụ còn xảy ra với mức độ vi phạm tăng dần, từ vi phạm cấp độ hành chính cho đến hình sự…

Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, ông Diên yêu cầu Quản lý thị trường phải chấn chỉnh lại toàn bộ lực lượng, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức chuyên môn và là đơn vị tham mưu cho Bộ đưa ra những quyết sách, quy định đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giao những nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng Quản lý thị trường phải thực hiện trong thời gian tới.

Ông đề nghị lực lượng này tiếp tục nghiên cứu, quán triệt kỹ các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,  Ban Chỉ đạo 389, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn ngành với việc thực hiện thật tốt các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng giao lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất việc ban hành các quy chế, quy định, quy trình mới về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ thật nghiêm túc, phù hợp các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc kiểm tra, giám sát công tác, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc làm việc của toàn ngành.

“Tôi yêu cầu trước ngày 31/12, Tổng cục Quản lý thị trường phải tự ban hành những quy định của mình và tham mưu cho Bộ trưởng để có những văn bản chỉ đạo, điều hành, đúng, trúng, phù hợp với bối cảnh, thực tiễn,” Bộ trưởng lưu ý.

Ông Diên đề nghị các Vụ, Cục nghiệp vụ của Tổng cục, nhất là các cục Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố khẩn tương rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực thi nhiệm vụ của đơn vị; chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình trên từng địa bàn để có phương án, kế hoạch cụ thể, phân công phù hợp… Xây dựng, thực hiện cơ chế, giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, nghiệp vụ thường xuyên, đột xuất; xử lý nghiêm sai phạm.

“Trong từng đơn  vị, phải chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức. Quan tâm xây dựng, phát huy vai trò tổ chức Đảng, Đảng viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị trong đơn vị,” ông Nguyễn Hồng Diên lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục