Ngày 7/9, tân Thủ tướng Anh Liz Truss và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Theo người phát ngôn của Thủ tướng Truss, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo sự ổn định và độc lập về năng lượng. Riêng bà Truss nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tân Thủ tướng Anh cũng bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Anh và Đức, đồng thời tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến các quy tắc chi phối các thỏa thuận thương mại hậu Brexit - sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
EU đang chuẩn bị bước vào một mùa Đông khắc nghiệt trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga tiếp tục gián đoạn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt và chi phí sinh hoạt hiện nay.
[Nga để ngỏ khả năng ngừng cung cấp năng lượng cho châu Âu]
Từ ngày 27/7, tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống mức 20% công suất, với lý do phát sinh các vấn đề trong quá trình sửa chữa các tuabin của Siemens do lệnh trừng phạt của Canada.
Theo Gazprom, tính đến ngày 7/9, lượng khí đốt của nước này xuất khẩu sang các quốc gia thành viên EU đã giảm 48%, thậm chí lên đến 49% nếu tính cả Anh - nước đã rời khỏi EU.
Trước đó, cùng ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu các nước phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của nước này.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra tại thành phố Vladivostok, nhà lãnh đạo Nga chỉ trích các ý kiến kêu gọi thực hiện áp giá trần đối với năng lượng của Nga, đồng thời khẳng định sẽ chấm dứt các hợp đồng cung cấp năng lượng nếu điều này xảy ra./.