Nguồn tin từ Chính phủ Đức ngày 28/7 cho biết Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm đồng thời với các nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp, Anh và Italy để thảo luận về một loạt vấn đề thế giới, trong đó có khủng hoảng Ukraine và tình hình Trung Đông.
Nữ Phó Phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Wirtz cho biết Thủ tướng Merkel đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Italy Matteo Renzi để bàn về các biện pháp tiếp theo liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, những nỗ lực tiến tới một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza cũng như tình hình ở Iraq và Libya.
Về vấn đề Ukraine, lãnh đạo Đức, Anh, Pháp, Italy và Mỹ cùng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo cho các nhà điều tra tiếp cận không hạn chế khu vực rơi máy bay số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines nhằm tìm kiếm thi thể các nạn nhân cũng như đảm bảo cho công tác điều tra của các chuyên gia quốc tế.
Lãnh đạo 5 nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc cùng áp đặt trừng phạt Nga trước việc vũ khí và thiết bị quân sự tiếp tục được chuyển vào Đông Ukraine, trong khi các tay súng vẫn xâm nhập vào khu vực này từ biên giới Nga; nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt là nhằm gây sức ép với Moskva để tình hình Ukraine không tồi tệ thêm cũng như góp phần tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Liên quan tình hình ở Dải Gaza, lãnh đạo 5 nước nhất trí rằng Israel "có quyền tự vệ," đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một lệnh ngừng bắn nhân đạo, ngay lập tức và vô điều kiện.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang vòng xoáy bạo lực cũng như sẽ có thêm nhiều người vô tội thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Về vấn đề Iraq, các nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng nước này sớm đạt được một tiến trình chính trị.
Trong khi với tình hình Libya, 5 nhà lãnh đạo kêu gọi các lực lượng ở Tripoli cần tiến tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, tiến hành nhóm họp quốc hội mới được bầu.
Đức, Mỹ, Pháp, Anh và Italy cũng lên án tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường, sự đe doạ nhằm vào các quan chức chính phủ cũng như sự sụp đổ tiến trình trình ở quốc gia Bắc Phi này.
Năm nước cũng kêu gọi Liên hợp quốc đóng vai trò lớn hơn trong cuộc khủng hoảng ở Libya./.