“Làng tôi” trở lại: Đưa không gian quê đến Hà Nội

Ở “Làng tôi,” tre không chỉ là đạo cụ để diễn viên xiếc đu bám mà tre còn tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống thường nhật.
Một cảnh trong tác phẩm "Làng tôi" (Ảnh: TTVH)

Thông tin từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam sáng 17/12 cho hay, sau bốn năm lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới (như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan…), chương trình xiếc “Làng tôi” sẽ trở lại với công chúng Thủ đô vào 20 giờ các ngày 20, 21/12 tại Nhà hát Kim Mã (số 71 Kim Mã, Hà Nội).

“Làng tôi” là một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp, trong đó xiếc giữ vai trò chủ đạo. Ở đó, những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam được thể hiện đậm nét.

Cây tre được sử dụng làm “ngôn ngữ” chính để chuyển tải nội dung tác phẩm. Tre không chỉ là đạo cụ để diễn viên xiếc đu bám mà tre còn tham gia vào câu chuyện như một nhân tố của đời sống thường nhật.

Sân khấu được thiết kế với những tấm mành tre làm nền. Nhạc cụ chính sử dụng trong toàn bộ tác phẩm là đàn môi cũng đươc làm từ tre. Diễn viên múa bằng những ống tre, đi lại, nhào lộn trên những thân tre và tung hứng bằng rổ rá làm từ tre.Các nghệ sỹ tái hiện bức tranh sinh hoạt của làng quê Việt Nam qua những tiết mục xiếc mô phỏng các trò chơi dân gian như: Đi thuyền, tát nước, đánh đu, đá cầu…

Nghệ sỹ nhân dân Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ, “Làng tôi” được xây dựng để làm nổi bật mối liên hệ mật thiết giữa đời sống của người nông dân Việt Nam với cây tre: Tre vừa là nguyên liệu để chế tạo công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt vừa là người bạn đồng hành trong những dịp lễ hội truyền thống…

“Xiếc Làng tôi là sự kết hợp hài hòa của những điều tương phản: Vẻ rắn rỏi của tre với sự mềm mại của chuyển động con người trên nền tre trúc; cái tĩnh của phông nền là bối cảnh làng quê Bắc Bộ đối lập với cái động của nghệ thuật xiếc…” một nghệ sỹ tham gia bày tỏ.

Phiên bản đầu tiên của xiếc “Làng tôi” ra mắt khán giả từ năm 2005 với 100 người biểu diễn. Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 nghệ sỹ tham gia trình diễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục