Đôi bàn tay thoăn thoắt hái những lá thuốc buộc thành từng bó, rồi phân chia ra thành từng loại. Chủ nhân của mảnh vườn lá, bà Nguyễn Thị Quế quệt mồ hôi trên mặt nói: Làng Đại Yên này chỉ còn vài hộ gia đình trồng thuốc nam thôi.
Bây giờ, khi đến làng Đại Yên, chỉ còn mảnh vườn của bà Quế, ông Cường, ông Thược ở cụm 7 vẫn còn mùi thơm bay ngào ngạt như thách đố thời gian. Còn mọi thứ gợi nhắc đến làng cũ nghề xưa dường như đã biến mất…
Làng thuốc nghìn năm giữa Hà thành
Con ngõ nhỏ 173 đường Hoàng Hoa Thám qua cổng Quán dẫn vào làng Đại Yên, phường Ngọc Hà cũng không khác hàng ngàn con ngõ nhỏ ở khắp Hà Nội. Đại Yên là một làng nhỏ nằm cạnh làng trồng hoa Ngọc Hà nổi tiếng Hà Nội. Từ đời này sang đời khác người làng đã sống bằng nghề trồng và bốc thuốc, chữa bệnh. Gọi là làng nhưng nhà cửa cứ san sát nhau chẳng tìm đâu ra một vườn thuốc nam đủ loại thảo mộc xanh tươi như ngày trước.
Bà Nguyễn Thị Quế có mái tóc bạc trắng, ngồi bán thuốc ở cổng làng miệng bỏm bẻm nhai trầu cười hiền từ nói: “Làm gì còn đất vườn mấy mà trồng thuốc hả con? Bây giờ lá thuốc được hái từ Canh, Diễn, Thanh Trì chứ ở làng còn ít lắm”.
“Hầu hết những người bán lá thuốc ở các chợ khắp Hà Nội đều là người làng Đại Yên. Dấu vết ngôi làng cũ giờ chỉ còn là chiếc cổng làng, ngôi đình và chợ lá nhỏ này”, bà Quế nói thêm.
Tại ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ số 30, tổ 42, phường Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Quế nói rằng đây chính là nơi gia đình bà ngụ cư và mảnh đất sát hiên nhà là đất tổ tiên để lại trồng các loại thuốc quý hiếm.
Trong kí ức bà Quế, của người dân trong làng và theo thần phả đình làng, vào thời nhà Lý thế kỉ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh nên cô đã chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa. Nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã quay trở lại quê, làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Người trong làng ghi nhớ công ơn và tôn bà là thành hoàng làng và lập đình thờ.
Như vậy theo thần phả thì nghề trồng cây thuốc nam ở làng Đại Yên đã có đến gần 1.000 năm.
Ngược dòng thời gian, bà Quế kể rằng trước đây đất làng Đại Yên rất rộng. Mỗi gia đình trong làng đều có vườn trồng cây thuốc. Rào dậu nhà nào cũng um tùm cây lá thuốc. Những thập niên 70,80 của thế kỉ trước, cả làng là vựa đông dược cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ ở đồng bằng Bắc bộ.
Những người trồng và bán thuốc không chỉ cung cấp dược liệu mà ở đó còn ẩn chứa khả năng của một dược sỹ dân gian.
Bà Quế cho biết: “Đa phần người làng Đại Yên đều biết bốc thuốc chữa bệnh, những bài thuốc họ đều thuộc làu làu”.
Người xưa vẫn bảo nghề làm và bán thuốc nam chỉ hợp với đàn bà con gái bởi nó mát mẻ, nhẹ nhàng, có lẽ chính vì thế mà hiện nay người làm nghề ở làng chủ yếu là phụ nữ.
Tuổi thơ và hơn nửa cuộc đời bà Quế gắn liền với mảnh đất trồng lá thuốc, theo cha mẹ học nghề đến nay cuối đời vẫn tiếp tục bám nghề với tâm niệm: “Làm cho đến lúc nào không kham nổi thì thôi, đi đâu làm gì cũng phải giữ nghề”.
“Nhưng nay cả làng Đại Yên và tuổi thơ của tôi cũng mất dấu dần theo thời cuộc”, bà Quế ngậm ngùi.
Đỏ mắt tìm vườn... trong phố
Bây giờ làng Đại Yên là một khu dân cư gồm 10 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Hà. Dù vẫn còn vài hộ sống bằng nghề trồng và bốc thuốc nhưng những “mảnh hồn” lá thuốc Đại Yên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang có nguy cơ mai một từng ngày.
Bà Quế năm nay 70 tuổi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn đủ sáng, đôi tay vẫn đủ mạnh để ngày 2 buổi dọn vườn và hái thuốc. Bà bảo: “Nhà tôi đã 6 đời trồng bán thuốc nam ở làng. Cái nghề ấy chỉ đủ sống mà chẳng thể giàu, nhưng được tiếng là làm phúc cho đời”.
Mảnh vườn được bao quanh một hàng rào cũ kĩ chắp vá bằng đủ thứ vật liệu. Lối vào vườn nằm khuất trong một bãi đất trống đầy rác và các loại phế liệu. Phía sau đó là một khu vườn xanh mát luôn thoang thoảng hương thơm dễ chịu của dược liệu. Vườn có diện tích khoảng 400m2, là nơi trồng các cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, sài đất...
Như một cuốn từ điển sống, cụ Quế không chỉ thông thạo cách chăm sóc, đặc tính chữa bệnh của từng loại cây, mà còn có thể nghe kể bệnh để bốc thuốc.
Bà Quế kể rằng: Ngày trước, một trong những trò chơi của trẻ con trong làng là đố nhau các loại thuốc lá. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng rồi gọi tên. Lên 8 - 9 tuổi đã biết đi cắt lá đem về sao thuốc bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức của bà và trở thành những vốn kiến thức phong phú.
“Nghề trồng cây thuốc vất vả lắm. Ngày nắng hay mưa cũng có mặt ở vườn. Để kiếm được đồng tiền từ cây thuốc nam đâu có nhẹ nhàng nên người làng gọi nghề trồng cây thuốc vất vả như việc 'bới đất, kiếm ăn", bà Quế tâm sự.
Dù công việc khó nhọc nhưng thu nhập của bà Quế cũng chỉ 50 nghìn đồng/ngày. Bà vẫn quyết giữ nghề vì đây là công việc đã gắn bó cả đời và cũng là nghề truyền thống mà tổ tiên để lại.
Ngoài ra, cũng có một số người dân trong làng buôn bán lá thuốc. Chị Thủy tổ 44 đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Chị thường nhập hàng từ Canh, Diễn, Thanh Trì về rồi bán lại. Chồng chị thì chuyên bỏ hàng cho một số khách sạn, nhà hàng đặt trước làm nước tắm xông hơi.
Chị Thủy chia sẻ: “Nghề bán thuốc nam gắn với tôi từ thuở 13, nhiều khi muốn tìm một nghề khác để làm nhưng rồi lại quay về với nó. Tuy thu nhập không cao nhưng cái tâm được thanh thản, chẳng phải suy nghĩ hay tính toán phức tạp”.
Quá trình đô thị hóa trong những năm gần đây khiến người dân làng đua nhau bán đất hoặc xây nhà cho thuê, những vườn cây đang bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Ngày nay, làng đã lên “phố”, thay vào những vườn lá thuốc là những khu nhà cao tầng. Nhưng những mảnh vườn vẫn được người dân chắt chiu chăm sóc gợi cho nhiều người nhớ lại mùi hương của lá như thấm vào đất làng, vẫn thoang thoảng trên mái tóc đã bạc như cước của những người già.../.
Bây giờ, khi đến làng Đại Yên, chỉ còn mảnh vườn của bà Quế, ông Cường, ông Thược ở cụm 7 vẫn còn mùi thơm bay ngào ngạt như thách đố thời gian. Còn mọi thứ gợi nhắc đến làng cũ nghề xưa dường như đã biến mất…
Làng thuốc nghìn năm giữa Hà thành
Con ngõ nhỏ 173 đường Hoàng Hoa Thám qua cổng Quán dẫn vào làng Đại Yên, phường Ngọc Hà cũng không khác hàng ngàn con ngõ nhỏ ở khắp Hà Nội. Đại Yên là một làng nhỏ nằm cạnh làng trồng hoa Ngọc Hà nổi tiếng Hà Nội. Từ đời này sang đời khác người làng đã sống bằng nghề trồng và bốc thuốc, chữa bệnh. Gọi là làng nhưng nhà cửa cứ san sát nhau chẳng tìm đâu ra một vườn thuốc nam đủ loại thảo mộc xanh tươi như ngày trước.
Bà Nguyễn Thị Quế có mái tóc bạc trắng, ngồi bán thuốc ở cổng làng miệng bỏm bẻm nhai trầu cười hiền từ nói: “Làm gì còn đất vườn mấy mà trồng thuốc hả con? Bây giờ lá thuốc được hái từ Canh, Diễn, Thanh Trì chứ ở làng còn ít lắm”.
“Hầu hết những người bán lá thuốc ở các chợ khắp Hà Nội đều là người làng Đại Yên. Dấu vết ngôi làng cũ giờ chỉ còn là chiếc cổng làng, ngôi đình và chợ lá nhỏ này”, bà Quế nói thêm.
Tại ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ số 30, tổ 42, phường Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Quế nói rằng đây chính là nơi gia đình bà ngụ cư và mảnh đất sát hiên nhà là đất tổ tiên để lại trồng các loại thuốc quý hiếm.
Trong kí ức bà Quế, của người dân trong làng và theo thần phả đình làng, vào thời nhà Lý thế kỉ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây. Quân của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc bệnh nên cô đã chữa giúp. Nhờ đó, quân ta đã đánh thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa. Nhưng vì nhớ mẹ nên cô đã quay trở lại quê, làng Đại Bi (Đại Yên ngày nay) và truyền lại nghề thuốc cho dân. Người trong làng ghi nhớ công ơn và tôn bà là thành hoàng làng và lập đình thờ.
Như vậy theo thần phả thì nghề trồng cây thuốc nam ở làng Đại Yên đã có đến gần 1.000 năm.
Ngược dòng thời gian, bà Quế kể rằng trước đây đất làng Đại Yên rất rộng. Mỗi gia đình trong làng đều có vườn trồng cây thuốc. Rào dậu nhà nào cũng um tùm cây lá thuốc. Những thập niên 70,80 của thế kỉ trước, cả làng là vựa đông dược cung cấp cho Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và hàng thuốc nam còn bày bán rộng khắp các chợ ở đồng bằng Bắc bộ.
Những người trồng và bán thuốc không chỉ cung cấp dược liệu mà ở đó còn ẩn chứa khả năng của một dược sỹ dân gian.
Bà Quế cho biết: “Đa phần người làng Đại Yên đều biết bốc thuốc chữa bệnh, những bài thuốc họ đều thuộc làu làu”.
Người xưa vẫn bảo nghề làm và bán thuốc nam chỉ hợp với đàn bà con gái bởi nó mát mẻ, nhẹ nhàng, có lẽ chính vì thế mà hiện nay người làm nghề ở làng chủ yếu là phụ nữ.
Tuổi thơ và hơn nửa cuộc đời bà Quế gắn liền với mảnh đất trồng lá thuốc, theo cha mẹ học nghề đến nay cuối đời vẫn tiếp tục bám nghề với tâm niệm: “Làm cho đến lúc nào không kham nổi thì thôi, đi đâu làm gì cũng phải giữ nghề”.
“Nhưng nay cả làng Đại Yên và tuổi thơ của tôi cũng mất dấu dần theo thời cuộc”, bà Quế ngậm ngùi.
Đỏ mắt tìm vườn... trong phố
Bây giờ làng Đại Yên là một khu dân cư gồm 10 tổ dân phố thuộc phường Ngọc Hà. Dù vẫn còn vài hộ sống bằng nghề trồng và bốc thuốc nhưng những “mảnh hồn” lá thuốc Đại Yên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang có nguy cơ mai một từng ngày.
Bà Quế năm nay 70 tuổi nhưng da dẻ vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn đủ sáng, đôi tay vẫn đủ mạnh để ngày 2 buổi dọn vườn và hái thuốc. Bà bảo: “Nhà tôi đã 6 đời trồng bán thuốc nam ở làng. Cái nghề ấy chỉ đủ sống mà chẳng thể giàu, nhưng được tiếng là làm phúc cho đời”.
Mảnh vườn được bao quanh một hàng rào cũ kĩ chắp vá bằng đủ thứ vật liệu. Lối vào vườn nằm khuất trong một bãi đất trống đầy rác và các loại phế liệu. Phía sau đó là một khu vườn xanh mát luôn thoang thoảng hương thơm dễ chịu của dược liệu. Vườn có diện tích khoảng 400m2, là nơi trồng các cây thuốc nam như hương nhu, mã đề, sài đất...
Như một cuốn từ điển sống, cụ Quế không chỉ thông thạo cách chăm sóc, đặc tính chữa bệnh của từng loại cây, mà còn có thể nghe kể bệnh để bốc thuốc.
Bà Quế kể rằng: Ngày trước, một trong những trò chơi của trẻ con trong làng là đố nhau các loại thuốc lá. Nhỏ tuổi thì thách nhau tìm các loại lá thuốc quanh làng rồi gọi tên. Lên 8 - 9 tuổi đã biết đi cắt lá đem về sao thuốc bán. Những trò chơi tuổi thơ đã khắc sâu vào tâm thức của bà và trở thành những vốn kiến thức phong phú.
“Nghề trồng cây thuốc vất vả lắm. Ngày nắng hay mưa cũng có mặt ở vườn. Để kiếm được đồng tiền từ cây thuốc nam đâu có nhẹ nhàng nên người làng gọi nghề trồng cây thuốc vất vả như việc 'bới đất, kiếm ăn", bà Quế tâm sự.
Dù công việc khó nhọc nhưng thu nhập của bà Quế cũng chỉ 50 nghìn đồng/ngày. Bà vẫn quyết giữ nghề vì đây là công việc đã gắn bó cả đời và cũng là nghề truyền thống mà tổ tiên để lại.
Ngoài ra, cũng có một số người dân trong làng buôn bán lá thuốc. Chị Thủy tổ 44 đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Chị thường nhập hàng từ Canh, Diễn, Thanh Trì về rồi bán lại. Chồng chị thì chuyên bỏ hàng cho một số khách sạn, nhà hàng đặt trước làm nước tắm xông hơi.
Chị Thủy chia sẻ: “Nghề bán thuốc nam gắn với tôi từ thuở 13, nhiều khi muốn tìm một nghề khác để làm nhưng rồi lại quay về với nó. Tuy thu nhập không cao nhưng cái tâm được thanh thản, chẳng phải suy nghĩ hay tính toán phức tạp”.
Quá trình đô thị hóa trong những năm gần đây khiến người dân làng đua nhau bán đất hoặc xây nhà cho thuê, những vườn cây đang bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất. Ngày nay, làng đã lên “phố”, thay vào những vườn lá thuốc là những khu nhà cao tầng. Nhưng những mảnh vườn vẫn được người dân chắt chiu chăm sóc gợi cho nhiều người nhớ lại mùi hương của lá như thấm vào đất làng, vẫn thoang thoảng trên mái tóc đã bạc như cước của những người già.../.
Mạnh Hùng (Vietnam+)