Tỉnh Lạng Sơn có trên 231km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, đặc thù địa hình biên giới phức tạp với nhiều đường mòn, lối tắt, cùng với đó là hệ thống cửa khẩu trải dài, đường giao thông thuận tiện đã đưa đến nguy cơ các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng cấm.
Các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới của Lạng Sơn đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật biên giới.
Những ngày cuối tháng Ba này, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (cửa khẩu Tân Thanh) diễn ra nhộn nhịp.
Theo lực lượng chức năng tại đây, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 phương tiện xuất nhập khẩu được thông quan với các mặt hàng chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi và hàng tiêu dùng, thiết bị máy móc…
Thông tin từ Đội Hải quan Tân Thanh cho biết từ đầu năm đến nay, cơ quan hải quan đã làm thủ tục cho hơn 14.400 bộ tờ khai xuất nhập khẩu với tổng giá trị gần 180 triệu USD. Ngoài việc tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, hải quan địa bàn đã tích cực phối hợp với các lực lượng địa bàn để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan; vận động doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm…
Phó Đội trưởng Đội Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, Chi cục Hải quan khu vực VI, Nông Quang Hưng thông tin đơn vị đã tăng cường kiểm soát hàng hóa, nhất là phòng chống vi phạm về mã số, chất lượng, xuất xứ hàng hóa để từ đó tăng cường chống gian lận thương mại qua cửa khẩu. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường tuần tra kiểm soát tại các đường mòn, lối mở trong khu vực phụ trách. Bằng các biện pháp nghiệp vụ được triển khai, từ đầu năm đến nay, Hải quan Tân Thanh đã phát hiện và xử phạt 23 vụ vi phạm với số tiền hơn 80 triệu đồng.

Lần đầu tiên chở hoa quả tươi đến cửa khẩu Tân Thanh để xuất khẩu, anh Trần Minh Phụng, lái xe tỉnh Bình Định cho biết mặc dù lượng xe ở khu vực khá đông nhưng các phương tiện được sắp xếp trật tự, ra vào thuận tiện. Lực lượng Biên phòng và hải quan cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền nhiều về luật pháp trong khu vực biên giới, nhất là chấp hành nghiêm túc việc không găm cắm hàng hóa trái phép khi lái xe qua lại biên giới.
Cùng với Hải quan, lực lượng Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cũng đang tích cực tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới và cửa khẩu; trong đó, chú trọng kiểm tra tại các tuyến đường mòn, tăng cường quân số triển khai tuần tra cơ động, khép kín, bố trí các lán chốt chặn 24/24 giờ tại các vị trí trọng điểm trên biên giới. Đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm soát tại các khu vực bến bãi, điểm tập kết sang tải hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện qua lại cửa khẩu, đặc biệt là các vị trí ca bin, gầm cốp xe.
Thượng tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho hay để phòng chống buôn lậu có hiệu quả, đơn vị đã tích cực tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới về chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra, tại khu vực cửa khẩu, khu vực luồng xuất nhập khẩu hàng hóa, đơn vị tập trung cán bộ tăng cường kiểm tra tất cả phương tiện để tránh những trường hợp cất giấu hàng cấm. Bên cạnh đó phối hợp với Hải quan kiểm tra người, phương tiện, hàng hóa cụ thể, chi tiết để đảm bảo các yếu tố cho hành khách lưu thông qua biên giới.
Theo Chi cục Hải quan khu vực VI, từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng Hải quan Lạng Sơn phát hiện 305 vụ gian lận thương mại với giá trị hàng hóa gần 2,5 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 3,4 tỷ đồng.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nắm chắc tình hình, nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đồng thời, tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, cửa khẩu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm./.

Giải pháp gì để chống buôn lậu khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường?
Dù quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình nào, lực lượng vẫn luôn duy trì vai trò chủ công, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác kiểm soát thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu