Lãng phí xây nhà vệ sinh tiền tỷ ở ngoại thành Hà Nội

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sẽ rất lãng phí khi bỏ tiền tỷ xây dựng nhà vệ sinh bằng thép ở ngoại thành, việc đấu thầu cần công khai.

Lãng phí khi xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ ở ngoại thành Hà Nội là ý kiến của lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội tại cuộc họp giao ban báo chí xung quanh dự án 15 tỷ đồng xây dựng 14 nhà vệ sinh của Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội, chiều 19/11.

Theo ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng, không nên xây dựng nhà vệ sinh bằng thép ở ngoại thành do chưa thật sự cần thiết và việc triển khai các hạng mục xây dựng các nhà vệ sinh bằng thép với kinh phí lớn cần phải được tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi, mang tính cạnh tranh.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã cho phép Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng.

Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 350 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội, năm 2013 và năm 2014, dự án này mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nếu được phê duyệt thì đến năm 2015 mới có thể xây dựng.

Ngoài ra, ông Hoàng Nam Sơn cũng cho biết, theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, hiện nay, Ban đã thống nhất được 17/20 vị trí để lắp đặt nhà vệ sinh bằng thép trên địa bàn huyện.

>Ban đã lựa chọn được 3 vị trí để thực hiện trước trong năm 2014 và 14 vị trí còn lại sẽ thực hiện trong những giai đoạn sau.

Đối với vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, ông Lê Văn Dục cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 279 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 72 nhà vệ sinh bằng thép phải thu tiền người đi vệ sinh.

Hiện kinh phí thu được đủ để duy tu, duy trì các nhà vệ sinh này. Số nhà vệ sinh công cộng còn lại được Nhà nước cấp kinh phí duy tu, duy trì.

Theo quan điểm của ông Dục, hiện nay, 90% số nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội đã được đặt đúng chỗ, sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô trong sạch, văn minh.

Đối với những nhà vệ sinh công cộng hiệu quả sử dụng đạt thấp cần thì cần phải di dời ra vị trí khác. Theo quy hoạch đến năm 2030, thành phố Hà Nội cần 320 nhà vệ sinh công cộng thì nay đã có 270 nhà vệ sinh, vì vậy cần phải khảo sát kỹ trước khi tiến hành xây dựng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục