Làng nghề trước thực trạng "chỉ duy trì, không phát triển"

Hiện lao động có tay nghề ở các làng nghề đang dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương nên các làng nghề đứng trước nguy cơ không thể phát triển được.
Làng nghề trước thực trạng "chỉ duy trì, không phát triển" ảnh 1Sản xuất sản phẩm sơn mài tại cơ sở sản xuất Ánh Thái, cụm làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hiện nay, lao động có tay nghề ở các làng nghề đang dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương.

Trong khi đó, các chủ hộ sản xuất hầu như chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường.

Điều này khiến các làng nghề đứng trước nguy cơ chỉ có thể duy trì, chứ không thể phát triển. Vì vậy, hoạt động truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Thiếu lao động kế cận

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, nhiều làng nghề vẫn giữ được tốc độ phát triển tốt như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa…

Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề thiếu lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Phương Quang kiêm Giám đốc Công ty T​rách nhi​ệm hữu hạn Việt Quang ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết, vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống, nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề.

Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.

Còn theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, để giải bài toán thiếu lao động kế cận như hiện nay, cần phải chú trọng đến công tác dạy nghề vì đây là khâu then chốt trong việc phát triển và bảo tồn nghề và làng nghề truyền thống.

Các nghề chính được Trung tâm nhân cấy là mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ… Học viên được các giảng viên là những nghệ nhân, thợ giỏi, thợ có tay nghề cao giảng dạy.

Làng nghề trước thực trạng "chỉ duy trì, không phát triển" ảnh 2 Sản xuất hàng gốm sứ tại Công ty TNHH Gốm sứ Hoàng Minh, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các hiệp hội ngành nghề tổ chức 40 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 học viên tại 40 thôn, xã; tổ chức cho 1.500 chủ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia 15 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế, thiết kế mẫu mã sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, kinh doanh và marketing…

Phát huy giá trị làng nghề

Đối với người dân làng Kiêu Kỵ ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, nghề dát vàng quỳ cho thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng, dù không giàu nhanh như các nghề khác nhưng đem lại việc làm ổn định.

Chính vì thế, những người dân làng nghề luôn ấp ủ, tâm nguyện gìn giữ và phát triển hơn nữa nghề truyền thống của quê hương, vốn được hình thành cách đây hơn 300 năm.

Theo Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ làng nghề tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, mỗi lớp có khoảng 35 học viên.

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề cho biết, gia đình ông có bốn đời làm nghề và ông sẽ tiếp tục truyền nghề lại cho con trai của mình.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề phát triển, trong năm nay, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn xã hội hóa; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm…

Làng nghề trước thực trạng "chỉ duy trì, không phát triển" ảnh 3Gian giới thiệu và bán hàng thủ công mỹ nghệ của thanh niên làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, mới đây ​Ủy ban ​Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề thành phố Hà Nội năm 2017.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện các chính sách, cơ chế đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở, mở rộng cho vay ngoại tệ…

Từ nguồn kinh phí khuyến công, thành phố dự kiến sẽ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 30.000 lao động; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho 100 chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề; hỗ trợ từ 10-15 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ 8-10 làng nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ 480 cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước.

Đặc biệt, thành phố cũng sẽ huy động nhiều nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp làng nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục