Lắng nghe tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn thời gian tới, đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ cố gắng, phát huy nội lực, vượt qua chính mình.
Lắng nghe tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 22/12, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai; bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đối với công tác dân tộc, nhất là hướng mạnh về cơ sở.

Từ nhu cầu thực tiễn của công tác dân tộc, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các dân tộc thiểu số; phát huy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội; đề cao vai trò và vị trí, trách nhiệm của đồng bào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước.

Theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, đời sống, lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi còn một số tồn tại như việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng giao thông, thông tin văn hóa, xã hội còn hạn chế; một bộ phận đồng bào nhận thức chưa đầy đủ về chính trị-xã hội, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật còn nhiều bất cập...

Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; kinh nghiệm hoạt động của người có uy tín tiêu biểu.

Các ý kiến, đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự; những khó khăn bất cập khi triển khai các chính sách của Nhà nước ở địa phương.

Nhiều ý kiến, kiến nghị của các đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã được thảo luận rất sâu để tìm ra hướng giải quyết, như việc triển khai các chương trình hành động, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đặc biệt, cần có chế độ ưu tiên, tuyển dụng cho con em là người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ cấp cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, già làng, người có uy tín vì đây thực sự là lực lượng quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền địa phương với đồng bào người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Già làng HMrik, người uy tín tiêu biểu làng Ia Nueng, xã Biển Hồ (Gia Lai) chia sẻ trải qua 18 năm làm già làng, ông nhận được sự tín nhiệm của bà con vì ông luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, đi đầu trong các phong trào, hoạt động do Mặt trận Tổ quốc phát động theo hướng thiết thực, gắn với thực tế của bà con trên địa bàn.

Ông Hmrik kiến nghị việc cần có kinh phí hỗ trợ hoặc cấp thẻ bảo hiểm hằng năm cho người uy tín để tiếp thêm động lực cống hiến cho công tác vận động đồng bào tại cơ sở.

[7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển vùng Tây Nguyên]

Bà H’Bliăk Niê, người uy tín buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết nhờ các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo mà người dân trong buôn Kram đã càng ngày càng ổn định cuộc sống.

An cư lạc nghiệp, người dân đã đóng góp kinh phí, lập quỹ hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Từ giá trị tinh thần đó, đời sống của bà con được nâng lên, cơ sở vật chất như nhà văn hóa, đường nông thôn được cải thiện; việc duy trì bản sắc văn hóa của từng dân tộc được gìn giữ khi hằng tuần bà con trong thôn được tụ tập tại nhà văn hóa để cùng nhau sinh hoạt văn hóa.

Ông A Bók, thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để thu hút các nhà máy, khu công nghiệp đến hoạt động trên địa bàn. Đây là cơ hội để giúp con em đồng bào Tây Nguyên có việc làm, cải thiện thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông A Bók cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.

Ông Y Yăm ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông bày tỏ lo lắng về giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm tăng cao; việc tiếp cận vốn của đồng bào gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xây dựng nông thôn mới mới chỉ dừng lại ở nhà văn hóa cộng đồng, trong khi đó sân chơi cho các cháu thiếu nhi, sân chơi cho người dân trong thôn chưa có; con em đồng bào không có nhiều cơ hội việc làm.

Lắng nghe tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ảnh 2Một đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Bà Triệu Thị Sa, người uy tín thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đánh giá rất cao về công tác bảo tồn văn hóa trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Theo bà Triệu Thị Sa, để phát triển, duy trì, bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc, đòi hỏi mỗi dân tộc phải tự phát triển đi lên, tự biết bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, để làm được điều này thì lại cần có kinh phí hỗ trợ từ nhà nước trong phát triển du lịch cộng đồng; góp phần phát triển an ninh, kinh tế, văn hóa quốc phòng ở khu vực Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những nỗ lực của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết so với trước đây, hiện tại đời sống người dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi vì Tây Nguyên có rất nhiều tiềm lực phát triển. Ông Đỗ Văn Chiến ghi nhận những ý kiến trao đổi của các đại biểu để tổng hợp, báo cáo lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn thời gian tới, đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ cố gắng, phát huy nội lực, vượt qua chính mình. Cán bộ Mặt trận phải đổi mới công tác tuyên truyền, gắn với thực tiễn để người dân nghe, làm theo.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên gần 54.500km2 với dân số khoảng 6 triệu người với đủ 54 thành phần dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 36,5% có đời sống còn nhiều khó khăn.

Hằng năm, Nhà nước có rất nhiều chính sách, chủ trương hỗ trợ người dân tộc thiểu số, miền núi trong việc nâng cao đời sống, lao động sản xuất, ổn định an ninh trật tự và tôn giáo cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của từng dân tộc trong khu vực.

Dịp này, Đoàn công tác đã trao quà cho 43 đại biểu là người uy tín tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục