Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh nhộn nhịp vào vụ đón Tết Nguyên đán

Những miếng mứt gừng thơm ngon của làng nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh (Quảng Trị) được đóng gói kỹ càng, vận chuyển đi khắp mọi miền quê, có mặt ở khay mứt của các gia đình trong ngày Tết.
Gừng sau khi đạt đến độ "chín" sẽ được đảo đều tay đến khi lên phấn trắng. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Nổi tiếng gần xa bởi nét độc đáo và hương vị đặc trưng riêng biệt, mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại “đỏ lửa” nhộn nhịp vào vụ.

Những miếng mứt gừng thơm ngon được đóng gói kỹ càng, vận chuyển đi khắp mọi miền quê, có mặt ở khay mứt của các gia đình trong ngày Tết.

Giữa tháng 11 âm lịch, những căn bếp nấu mứt gừng của làng Mỹ Chánh bắt đầu “sống dậy," mỗi người một việc từ chọn gừng, cắt, luộc, nấu, đảo, đóng gói, vận chuyển… đều tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt.

Theo những người lớn tuổi trong làng nghề, gừng được lựa chọn làm mứt phải là gừng tươi, nhiều nhánh, thơm. Sau khi luộc kỹ bằng chanh, gừng được vớt ra rồi rửa lại để rang mứt. Trong quá trình rang mứt, lửa phải phù hợp, người làm đảo đều tay để mứt gừng sánh, thơm không bị khô, cháy.

Nổi tiếng là làng nghề truyền thống từ xa xưa, người dân nơi đây vẫn luôn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu sau này. Hiện nay, nghề làm mứt gừng đã góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân dịp cuối năm; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương lúc nông nhàn, giúp nhân dân có thêm điều kiện đón Tết.

Những bếp lửa nấu mứt gừng “đỏ lửa” cả ngày và đêm để kịp phục vụ nhu cầu Tết. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Ông Ngô Văn Bách, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, cho biết gần Tết, gia đình ông bắt đầu làm mứt gừng để cung cấp cho thị trường. Đối với ông, có hương mứt gừng cay nồng là có Tết. Là nghề truyền thống cha ông để lại cho con cháu gìn giữ và phát huy, đến nay nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình ông dịp cuối năm.

Ông và các gia đình ở đây làm mứt gừng không sử dụng chất phụ gia mà thay vào đó dùng chanh, muối tẩy rửa và kỹ thuật gia truyền để làm ra những miếng mứt gừng cay nồng, thơm ngon.

Đáp ứng các đơn đặt hàng trong cả nước, trung bình mỗi ngày, gia đình ông thuê thêm ba nhân công để làm khoảng 100kg mứt. Giá mứt dao động từ 70.000-75.000 đồng/kg tùy thuộc vào khách mua sỉ (buôn), lẻ.

[Làng nghề Địa Linh nặn tượng Táo quân tất bật vụ Tết cổ truyền]

Hiện làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh có trên 20 hộ tham gia làm mứt cung cấp trong dịp Tết. Những năm trước, cả làng nghề có thể làm ra khoảng 80-90 tấn, tuy nhiên trong dịp Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng mứt ít hơn, khoảng 60-70 tấn.

Khác với các nơi khác, mứt gừng Mỹ Chánh có hương vị độc đáo riêng biệt nên được các nơi ưa chuộng đặt mua. Thị trường tiêu thụ chính ở các tỉnh, thành trong cả nước như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Là một trong những cơ sở làm mứt gừng lớn nhất làng nghề, hộ bà Võ Thị Tâm, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, mỗi ngày làm ra khoảng 1,5 tấn mứt gừng.

Hiện là giai đoạn cao điểm nhất của làng nghề, riêng gia đình bà đã tạo việc làm cho gần 50 người trong làng với mức tiền công 200.000 đồng/người/ngày để sản xuất mứt gừng, cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán.

Những mẻ mứt gừng sau khi rang xong được phân loại kĩ càng trước khi đóng gói. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Bà Tâm chia sẻ, gia đình bà đã làm mứt gừng hơn 30 năm và đến nay đã có thương hiệu khắp cả nước. Nghề mứt gừng truyền thống không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình bà cũng như người dân xung quanh mà còn lưu giữ ký ức, nét đặc sắc, hương vị truyền thống từ xa xưa mà cha ông đã để lại.

Những ngày cuối năm khi Tết Nguyên đán đang cận kề, dạo quanh làng nghề, hình ảnh các bếp lửa hồng đỏ rực thơm mùi mứt lan tỏa khắp làng nghề như báo hiệu một năm cũ lại qua đi năm mới sắp đến.

Đối với những người con xa quê, hương vị và hình ảnh ấy đã gắn bó trong tiềm thức từ thuở ấu thơ để mỗi khi Tết đến Xuân về lại chạnh lòng nhớ về gia đình, tổ tiên và quê hương. Từ đó, thúc giục mỗi người sớm sắp xếp công việc trở về nguồn cội để đón Tết bên những người mình yêu thương. Chính vì vậy, đối với người dân Mỹ Chánh nói riêng và người dân Quảng Trị nói chung có mứt gừng chính là có Tết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết do ảnh hưởng thiên tai và dịch COVID-19 nên năm nay sản lượng của làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh có sụt giảm, tuy nhiên giá cả lại cao hơn các năm nên bà con phấn khởi.

Để phát huy, bảo tồn làng nghề cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hằng năm trước khi vào vụ, xã đã chủ động mời các hộ tiến hành kí cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm khuyến công của tỉnh tổ chức đăng ký nhãn mác thương hiệu “Mứt gừng Mỹ Chánh."

Để hỗ trợ người dân, xã cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, cung ứng cho các chuỗi siêu thị để phát triển thương hiệu ngày càng lớn mạnh và đi xa…/.

Gừng tươi được luộc bằng chanh sau đó vớt ra rửa sạch rồi làm mứt. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Những bếp lửa nấu mứt gừng đỏ lửa cả ngày và đêm để kịp phục vụ nhu cầu Tết. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Gừng sau khi đạt đến độ chín sẽ được đảo đều tay đến khi lên phấn trắng. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Gừng sau khi đạt đến độ chín sẽ được đảo đều tay đến khi lên phấn trắng. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Những mẻ mứt gừng sau khi rang xong được phân loại kĩ càng trước khi đóng gói. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Phân loại và đóng gói mứt gừng. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục