Làng nghề đặc sản tất bật vào mùa cung ứng Tết Nguyên đán

Những ngày này, chạy dọc theo các tuyến đường ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, hình ảnh dễ bắt gặp chính là người dân làng nghề đều tất bật phơi tôm khô, bánh phồng tôm… để cung ứng ra thị trường Tết.
Làng nghề đặc sản tất bật vào mùa cung ứng Tết Nguyên đán ảnh 1Sản phẩm ba khía muối được các hộ làm nghề tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Làng nghề làm tôm khô, bánh phồng tôm… vùng cực Nam đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị hàng hóa cung ứng ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Những ngày này, chạy dọc theo các tuyến đường ven xã của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, hình ảnh dễ bắt gặp nhất chính là người dân tại làng nghề đều tất bật phơi tôm khô, bánh phồng tôm… để cung ứng ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Nhắc đến huyện Ngọc Hiển, nhiều người sẽ nghĩ đến vùng đất liền cuối trời cực Nam Tổ quốc với mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, những cánh rừng đước, mắm bạt ngàn cùng vô số loài thủy sản dưới tán rừng được thiên nhiên ưu ái. Song, sẽ thiếu soát nếu không nhắc đến “làng nghề” làm tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm, ba khía muối Ngọc Hiển nức tiếng.

Dưới tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, thế nhưng những cơ sở sản xuất tôm khô, bánh phồng tôm tại huyện Ngọc Hiển luôn sáng đèn, tiếng gọi nhau í ới của công nhân làm sôi động vùng quê cuối trời Tổ quốc.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi cho biết hơn 10 năm gắn bó nghề làm tôm khô, bánh phồng tôm, cua, hàu, mắm tôm, tôm chà bông… Những tháng bình thường trong năm, hợp tác xã xuất ra thị trường trung bình khoảng 4 tấn sản phẩm các loại. Riêng, 2 tháng Tết sản lượng tăng gấp 3 lần. Qua đó, đem về doanh thu trên, dưới 1 tỷ đồng/năm.

[Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp phục hồi chế biến và xuất khẩu thủy sản]

Hiện, tôm khô bán ra thị trường với giá dao động từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/kg (tùy loại); bánh phồng tôm, cua, hàu cũng dao động từ 220.000 đến 260.000 đồng/kg (tùy loại).

Theo lời ông Chương, để các sản phẩm được vị ngon đậm đà, tôm nguyên liệu được chọn phải là những con tôm đất, sú, cua… sinh thái nuôi tại rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển.

“Tôi và nhiều hộ kinh doanh ở đây chọn tôm nuôi sinh thái rừng ngập mặn làm nguyên liệu do nơi đây có độ mặn cao cộng với đất phù sa đặc trưng nên khi sản xuất tôm khô, tôm chà bông… sẽ cho sản phẩm độ ngọt, thơm, dẻo, màu đỏ tự nhiên bắt mắt đặc trưng. Qua đó, góp phần tạo được niềm tin và sự ưa chuộng của người tiêu dùng,” ông Chương lý giải.

Ngoài ra, hợp tác xã còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nông nhàn tại địa phương với nguồn thu nhập trên, dưới 4,5 triệu đồng/tháng. Tuy nguồn thu nhập trên không cao so với việc đi lao động tại các thành phố lớn nhưng đã góp phần ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng người lao động ly hương. Đặc biệt, với khoảng thu nhập trên cũng tạo điều kiện cho người dân đón cái Tết đầy đủ và tươm tất hơn.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển cho biết trên địa bàn có hơn 40 hộ sản xuất tôm khô, bánh phồng tôm. Hiện, các cơ sở đang tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết. Ngành chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh để kịp thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm để đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Hợp tác xã Tân Phát Lợi đã tận dụng các phụ phẩm từ việc chế biến tôm khô, tôm chà bông… để làm bột tôm nêm canh, muối tôm, nước mắm tôm đây là một bước đi sáng tạo của hợp tác xã. Qua đó, tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cũng như đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng lựa chọn,” ông Lâm nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục