Lăng mộ Ai Cập, bãi đá Stonehenge: Những khám phá khảo cổ nổi bật nhất năm 2024

Từ phát hiện những thành phố ẩn sau khu rừng rậm rạp cho đến việc đọc những cuộn giấy cổ bằng AI, việc kết hợp các kỹ thuật hiện đại và truyền thống đang định hình tương lai ngành khảo cổ.
Các bức tường thành và công sự phòng thủ ở Tugunbulak, một thành phố thời trung cổ được phát hiện dọc theo Con đường Tơ lụa ở Uzbekistan. (Nguồn: National Geographic)

Nhiều khám phá khảo cổ quan trọng đến từ việc áp dụng các kỹ thuật mới vào các hiện vật đã được phát hiện: ví dụ như chi tiết về một thảm họa thời kỳ đồ đồng hoặc thủ phạm trong một vụ án mạng bí ẩn ở Ai Cập cổ đại.

Trong năm 2024, các phương pháp hiện đại như phân tích DNA và công nghệ cảm biến từ xa đã tiết lộ bằng chứng mới về các nền văn hóa, kỹ thuật và cấu trúc xã hội trong quá khứ.

1. Công nghệ tìm kiếm những thành phố ẩn giấu

Lidar (viết tắt của Light Detection and Ranging - một thuật ngữ tương tự như radar và sonar) là công nghệ quét địa hình bằng hàng nghìn xung ánh sáng laser mỗi giây. Mặc dù công nghệ này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng khả năng phát hiện các cấu trúc rộng lớn bên dưới các lớp thảm thực vật và lập bản đồ những thay đổi của cảnh quan gần đây đã giúp cách mạng hóa ngành khảo cổ học.

Với việc gắn thiết bị Lidar trên một chiếc máy bay cỡ nhỏ, các nhà khảo cổ học có thể quét các khu vực rộng lớn và kỹ thuật này đặc biệt hữu ích để tìm kiếm bên dưới những khu rừng rậm rạp ở Trung và Nam Mỹ.

Nhờ công nghệ này, trong năm 2024, các nhà khảo cổ đã phát hiện những khu định cư của người Maya tại Campeche ở miền Nam Mexico, những khu vườn, con đường trong rừng nhiệt đới Amazon của Ecuador, những tàn tích cổ đại trên đảo Tonga ở Thái Bình Dương và tàn tích của hai thành phố cổ dọc theo Con đường Tơ lụa ở Uzbekistan.

2. Lăng mộ, bùa hộ mệnh tại Ai Cập

Các hiện vật Ai Cập đã giúp truyền cảm hứng cho sự phát triển của ngành khảo cổ học hiện đại và những khám phá như vậy vẫn tiếp tục.

Vào mùa Hè năm nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được 33 ngôi mộ ở miền Nam Ai Cập và 63 ngôi mộ ở Đồng bằng sông Nile, cùng với những chiếc bùa hộ mệnh bằng vàng, tiền xu và đồ gốm.

Với niên đại khoảng 2.000 năm tuổi, các nhà khảo cổ hy vọng các hiện vật mới này sẽ tiết lộ thêm về các tập tục chôn cất và xã hội cổ đại vào thời điểm đó.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một nhánh sông Nile đã biến mất từ ​​lâu, hiện đã khô cạn, được sử dụng hàng nghìn năm trước để vận chuyển đá xây dựng các kim tự tháp ở Giza.

3. Ngôi mộ sa mạc ở Petra

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất trong năm 2024 là việc tìm thấy 12 bộ xương cổ đại trong một ngôi mộ bên dưới Kho báu tại Petra, một địa điểm khảo cổ sa mạc ở Jordan nổi tiếng với các kiến trúc tinh xảo được chạm khắc trên vách đá sa thạch đỏ.

Các nhà khảo cổ học cho rằng những người du mục Nabatean - một nhánh đầu tiên của người Arab - bắt đầu chôn cất người chết tại Petra vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên.

Kiến trúc trạm khắc vào bức tường đá tại di tích Kho báu Petra được xây dựng cách đây khoảng 2.000 năm. (Nguồn: National Geographic)

Vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Petra trở thành thủ đô của người Nabatean với một hệ thống bể chứa nước phức tạp cung cấp nước cho thành phố.

Các cột đá chạm khắc của Kho báu, hay Al-Khazneh trong tiếng Arab, tạo nên công trình mang tính biểu tượng nhất của Petra.

Các nhà khảo cổ học cho biết ngôi mộ bên dưới Al-Khazneh là một khám phá vô giá sẽ giúp họ tìm hiểu thêm về những người đã mất này.

4. Đọc các cuộn giấy cổ thông qua trí tuệ nhân tạo

Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu công bố họ đã sử dụng một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc một số phần của một cuộn giấy 2.000 năm tuổi bị đốt cháy trong vụ núi lửa Vesuvius phun trào năm 79 sau Công nguyên.

Cuộn giấy này là một trong khoảng 1.800 cuộn giấy cói được phát hiện vào thế kỷ 18 giữa tàn tích của Herculaneum, một thị trấn La Mã cổ đại cách Pompeii khoảng 16km mà các nhà khảo cổ học cho rằng đã bị phá hủy bởi một vụ phun trào núi lửa.

Vụ phun trào đã biến những cuộn giấy thành những cục cháy đen không thể đọc được.

Các nhà khoa học đã tiến hành quét một trong những cuộn giấy cháy đó bằng tia X và sử dụng AI để giải mã nội dung cuộn giấy. Các nhà khoa học ban đầu xác định cuộn giấy gồm 15 cột văn bản và hơn 2.000 ký tự viết về cách tận hưởng cuộc sống, có thể do một người theo triết gia Hy Lạp Epicurus viết.

5. Chiếc yên ngựa cổ nhất từng được phát hiện

Chiếc yên ngựa 2.700 năm tuổi này được phát hiện trong ngôi mộ của một người phụ nữ tại nghĩa trang Yanghai ở rìa sa mạc Taklamakan, Tây Bắc Trung Quốc.

Mặc dù con người đã thuần hóa ngựa từ hàng nghìn năm trước, nhưng những bức chạm khắc cổ cho thấy người cưỡi không có yên hoặc chỉ lót một tấm thảm, chăn.

Yên ngựa là một tiến bộ cho phép người cưỡi ngựa di chuyển quãng đường dài hơn mà không làm đau hay bị thương bản thân.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cưỡi ngựa được du nhập vào Trung Quốc từ các vùng phía Bắc của Trung Á, nhưng yên ngựa Yanghai là loại yên ngựa sớm nhất được các nhà khảo cổ phát hiện cho đến nay.

Nó được làm từ những mảnh da khâu lại với nhau và nhồi rơm, lông động vật. Những vật hữu cơ này thường phân hủy nhanh chóng, nhưng môi trường sa mạc khô cằn đã giúp bảo quản chúng.

6. Mặt nạ ngọc bích trong ngôi mộ của người Maya

Một chiếc mặt nạ ngọc bích trang trí công phu được làm từ những mảnh ngọc bích lồng vào nhau với vỏ sò làm mắt và răng, đã được phát hiện trong lăng mộ của một vị vua Maya tại Chochkitam ở Guatemala.

Chiếc mặt nạ ngọc bích mô tả một vị thần bão của người Maya. (Nguồn: National Geographic)

Phương pháp xác định tuổi bằng cacbon phóng xạ cho thấy chiếc mặt nạ có niên đại từ khoảng năm 350 sau Công nguyên và được cho là mô tả một vị thần bão của người Maya.

Những chiếc mặt nạ như vậy thường được làm để chôn cất hoàng gia Maya và những tác phẩm chạm khắc được làm bằng dao hoặc đục bằng thủy tinh núi lửa obsidian cũng được trang trí trên lăng mộ của vị vua này.

7. Nguồn gốc của bãi đá cổ Stonehenge

Di tích thời đồ đá mới Stonehenge ở phía Tây Nam nước Anh lần đầu tiên nổi tiếng vào thời Trung cổ, nhưng các kỹ thuật mới đang tiết lộ thêm nhiều chi tiết về quá trình xây dựng của nó.

Vào tháng 8, các nhà nghiên cứu phát hiện phiến đá bàn thờ gần trung tâm của công trình được làm từ đá sa thạch có nguồn gốc từ Scotland, cách Đồng bằng Salisbury hàng trăm km.

Vòng tròn đá Stonehenge. (Nguồn: National Geographic)

Việc vận chuyển khối đá nặng 6 tấn qua quãng đường xa như vậy là một công việc khó khăn vào thời điểm cách đây khoảng 4.600 năm, khi người ta chưa biết cách sử dụng bánh xe để di chuyển đồ nặng.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những phiến đá sarsen khổng lồ thẳng đứng trong vòng tròn chính được cắt từ đá sa thạch có nguồn gốc tại địa phương, nhưng những phiến đá xanh nhỏ hơn bên trong được mang đến từ phía Tây Nam xứ Wales, cách đó hơn 160km.

Những phần đầu tiên của Stonehenge có niên đại từ khoảng 5.000 năm trước; các nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu đây là một nơi chôn cất nhưng sau đó được mở rộng trong hàng nghìn năm tiếp theo thành một di tích tôn giáo thời đồ đá mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục