Làng Lộng Thượng gìn giữ ‘báu vật’ đúc đồng trăm năm tuổi

Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm đồ đồng của làng Lộng Thượng đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của một làng nghề nổi tiếng chốn kinh thành Thăng Long xưa.
Làng Lộng Thượng gìn giữ ‘báu vật’ đúc đồng trăm năm tuổi ảnh 1Nghề đúc đồng truyền thống đã được những người dân của làng Lộng Thượng chung tay gìn giữ qua hàng trăm năm (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Vùng đất Đại Đồng thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, không chỉ nổi tiếng với quần thể di tích làng Nôm nhuốm màu thời gian với hơn 200 năm tuổi đời, hay những ngôi nhà cổ năm gian mang lối kiến trúc đậm nét đặc trưng của làng Việt cổ xưa, mà nơi đây còn tồn tại một “báu vật,” được những người con của làng chung tay gìn giữ qua hàng trăm năm. Đó chính là nghề đúc đồng đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm để ghi dấu ấn trong lịch sử của vùng đất kinh Bắc mà mỗi khi nhắc đến, người dân làng Rồng Lộng Thượng không khỏi tự hào về truyền thống quý báu của cha ông.

Đất và người làng Nôm nổi tiếng với câu ca dao:

“Đồng nát thì về cầu Nôm

Con gái nỏ mồm thì về với cha”

“Cái nôi” của nghề đúc đồng xưa…

Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, từ thời xa xưa, người dân làng Nôm nổi tiếng với nghề truyền thống là trồng lúa nước. Do đất nông nghiệp của làng bị ngập úng quanh năm, người làng Nôm sớm có xu hướng thoát ly nông nghiệp, dần trở thành đầu mối phân phối nguyên liệu cho các làng nghề đúc đồng. Trải qua nhiều thời gian, nghề đúc đồng của làng được hình thành.

Làng đúc đồng Lộng Thượng, hay còn được biết đến với cái tên làng Rồng, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là làng nghề nổi tiếng hưng thịnh một thời với những sản phẩm được đúc bằng đồng. Từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, các sản phẩm đồ đồng đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa của một làng nghề nổi tiếng chốn kinh thành Thăng Long xưa.

Làng Lộng Thượng gìn giữ ‘báu vật’ đúc đồng trăm năm tuổi ảnh 2Những người con của làng Lộng Thượng luôn tâm niệm phải gìn giữ và phát triển nghiệp truyền thống của cha ông (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Sinh trưởng trong một gia đình làng nghề gia truyền nên từ năm 12 tuổi, anh Nguyễn Văn Thùy - chủ cơ sở đúc đồng Tín Việt, làng Lộng Thượng, xã Đại Đồng đã được tiếp xúc với nghề có hàng trăm năm tuổi đời được các bậc cha ông để lại. Trải qua 20 năm thăng trầm gắn bó làm nghề, trong anh luôn tâm niệm bản thân phải tiếp nối, gìn giữ và phát triển nghiệp truyền thống của gia đình, dòng họ.

Đều đặn mỗi ngày tại làng nghề, từ những tấn đồng được nấu chảy và nung đúc cẩn thận tỉ mỉ, những người nghệ nhân đã tạo thành sản phẩm là hàng trăm bộ đồ thờ các loại được vận chuyển từ làng Lộng Thượng đi khắp muôn nơi phục vụ khách hàng, trong đó thị trường chính vẫn tập trung chủ yếu tại miền Bắc.

Các sản phẩm của làng Lộng Thượng chủ yếu là đồ thờ tự, xuất hiện nhiều trên ban thờ cúng gia tiên của các gia đình mỗi dịp Tết đến Xuân về như đỉnh đồng, hạc đồng, nến đồng, mâm đồng..., phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt.

Đặt trọn tình yêu vào nghiệp truyền thống

Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ tháng Tám là các sản phẩm đồ thờ của làng đã được đặt hàng rất nhiều. Bên cạnh số nhân công trung bình rơi vào khoảng 20 người một hộ, các gia đình trong làng đều phải huy động toàn bộ nhân lực để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp lễ, Tết.

Theo anh Thùy, điểm khác biệt lớn nhất giữa các các sản phẩm của làng nghề Lộng Thượng so với những làng nghề đúc đồng khác, bên cạnh yếu tố nguyên liệu đồng thỏi được đánh giá là loại đồng tốt nhất, thì chính lối bài trí hoa văn trên các sản phẩm được những người thợ của làng dồn tâm huyết thiết kế sao cho thật sắc nét, từ những chi tiết nhỏ như từng hòn ngọc, đến các hoạ tiết trên nền gấm, được đúc nổi từng chi tiết trên đầu đỉnh, cái chiện ở cổ hạc hay từng vẩy chi tiết trên cánh của con hạc... đã làm nên tên tuổi của các sản phẩm nơi đây.

Làng Lộng Thượng gìn giữ ‘báu vật’ đúc đồng trăm năm tuổi ảnh 3Các sản phẩm của làng Lộng Thượng với nhiều mẫu mã và chất lượng tốt được đông đảo khách hàng đón nhận trên thị trường (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Hơn 20 năm gắn bó với nghề gia truyền của làng, anh Thùy luôn đặt trọn tình yêu của mình vào nghiệp truyền thống. Anh quan niệm mỗi người thợ luôn phải đem cả tâm huyết, tấm lòng của mình gửi gắm qua từng chi tiết của sản phẩm, từ đó mới có thể tạo nên được những sản phẩm tốt nhất để phục vụ cho khách hàng. Đây cũng chính là niềm vui ý nghĩa nhất đối với mỗi người thợ của làng đúc đồng Lộng Thượng trong “cơn bão” công nghiệp hóa hiện nay.

Tuy ngành sản xuất công nghiệp mỗi năm vẫn cho ra số lượng sản phẩm lớn để phục vụ nhu cầu của khách hàng, song các sản phẩm thủ công vẫn có chỗ đứng riêng trên thị truờng. Đồ thủ công của làng tuy cần nhiều thời gian để hoàn thiện hơn, song vẫn có những nét đặc trưng riêng, thể hiện qua lối bài trí độc đáo được truyền lại qua nhiều thế hệ nghệ nhân của làng. Chỉ những khách hàng thực sự tinh tế mới có thể cảm nhận được hết tinh túy trong một sản phẩm đồ đồng thủ công - thường là đồ trưng bày, được đúc liền nguyên khối, khác với các sản phẩm công nghiệp được ráp nối, tạo thành từ những bộ phận riêng biệt.

[[Video] Làng Chuông Thanh Oai chung tay giữ nghề làm nón trăm năm tuổi]

Nghề đúc đồng của làng Lộng Thượng vì thế đang ngày càng phát triển. Các sản phẩm của làng ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, luôn nhận được sự ưa chuộng và tin cậy của người tiêu dùng. Anh Lương Tiến Hiền Anh, chủ cửa hàng đồ thờ Hiếu Lợi, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, chia sẻ: “Là một người kinh doanh, bản thân tôi nhận thấy các sản phẩm của làng Rồng đã được khách hàng đón nhận rất nhiều trên thị trường. Bên cạnh những mẫu mã sắc nét được thiết kế ấn tượng, các sản phẩm đồ đồng có độ bền và chất lượng rất tốt, được bán trên thị trường với mức giá phải chăng, phù hợp với đa phần mức chi tiêu cơ bản của người tiêu dùng”.

Bên cạnh giá trị tinh thần to lớn, nghề truyền thống của cha ông còn đem lại giá trị vật chất cho người dân làng Rồng. Áp dụng những phương pháp mới, các hộ làm nghề sản xuất không chỉ đảm bảo được các nhu cầu cơ bản cho gia đình, giải quyết được công ăn việc làm cho chính người dân địa phương, mà còn góp phần gìn giữ một nét văn hoá độc đáo riêng của làng quê Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục