Lặng lẽ và kiên nhẫn để được vào tiễn đưa Đại tướng

Đêm dần về khuya nhưng dòng người vẫn lặng lẽ đứng dài trên các con phố đợi chờ những giây phút cuối bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dưới ánh đèn vàng, những dòng người xếp hàng lặng lẽ và lặng lẽ, nối dài qua những con phố để đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhích đi từng bước Trời thu Hà Nội về đêm se lạnh. Sương bảng lảng trên những vòm cây cao trên con đường vào Nhà tang lễ. Sẽ chẳng có ai cảm thấy ngạc nhiên khi đoàn người nối dài không dứt từ trưa ngày 12/10 để vào viếng Đại tướng. Đến gần 1h sáng 13/10, những người may mắn cuối cùng vẫn được vào viếng vị Đại tướng thân yêu trong khi nhiều người khác đành ra về trong tiếc nuối. Trên tay là tấm ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Nguyễn Thị Thà (61 tuổi ở Sơn La) không giấu nổi niềm xúc động. Được tin giờ người dân vào viếng Đại tướng là 3 giờ chiều, bác vội thu xếp công việc, bắt xe về Hà Nội. Nhưng khi đến xếp hàng vào viếng, chờ mãi mà đến khuya mới tới gần cổng Nhà tang lễ. “Cả đời bác hy sinh vì sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước mà chẳng màng lợi riêng cho mình thì việc chúng tôi đứng từ chiều đến giờ có xá gì? Tôi nghĩ, người dân cả nước nghiêng mình trước Đại tướng cũng là một cách ghi tạc công lao của Đại tướng với non sông, đất nước. Trên ban thờ nhà tôi cũng đã dành một vị trí trang trọng cho Đại tướng,” bác Thà bùi ngùi. Trước mắt chúng tôi, cựu chiến binh Hà Văn Tùng (Hưng Yên) chống nạng đi từng bước. Bên cạnh ông, người vợ tảo tần bao năm vẫn đứng bên cạnh. Tay cầm chiếc bánh mì, tay cầm chai nước suối, bà Mừng (vợ ông Tùng) kể rằng đã từng một lần được gặp Đại tướng. Cả đoàn cựu chiến binh khi ấy ra về đều rất hân hoan với những lời dặn dò ân cần của người Anh cả: "Thương binh tàn nhưng không phế."

Về khuya, dòng người vẫn tiếp tục đổ về phía Nhà tang lễ Quốc gia (Ảnh: ChiLe/Vietnam+)

Anh Trần Nam Hải (Hà Đông, Hà Nội) thì cho hay, được tin Đại tướng qua đời, anh đã cùng vợ con lên tư gia của Đại tướng thắp nén nhang tưởng nhớ. Sau đó, anh phải đi công tác tận mãi miền Tây Nam bộ. Thu xếp công việc chóng vánh, chiều 12/10 anh đã có mặt tại Hà Nội để mong được lần cuối đi quanh linh cữu của Đại tướng. “Bất ngờ quá! Tôi cứ nghĩ mấy ngày trước đoàn người đến nhà Đại tướng rồi thì hôm nay sẽ vắng. Ai ngờ?... Nhưng cũng phải, phẩm chất cao quý của Đại tướng đã khiến mọi người không quản xếp hàng vất vả để đến nghiêng mình trước bác,” anh Hải nói rồi cùng vợ xếp vào cuối đoàn người để nhích đi từng bước. Mệt nhưng ấm lòng Trắng đêm qua là các lực lượng làm công việc hậu cần. Một chiến sĩ thuộc Đại đội 2 (Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho hay, Tiểu đoàn 103 cử 120 chiến sĩ túc trực ở vòng ngoài nhà tang lễ trong suốt 2 ngày. Kế hoạch giờ viếng thay đổi, các chiến sĩ phải thay nhau ăn cơm để tiếp tục ca trực của mình, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Mệt thì có mệt nhưng ấm lòng, bởi được phục vụ trong lễ tang Đại tướng - người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam là một vinh dự lớn lao của đời lính,” người chiến sỹ trẻ bộc bạch. Bạn Trần Thị Thương, sinh viên trường Viện Đại học Mở Hà Nội ở Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho biết, vốn đã có 2 lần đi tình nguyện vào mùa hè nhưng chưa bao giờ Thương được vinh dự phục vụ một buổi lễ trang trọng của đất nước như thế này. Theo Thương, hội sinh viên tình nguyện hội đồng hương đã chốt trực từ 5 giờ sáng đến 21 giờ với hai ca ngày 12/10. Tuy nhiên, tất cả sinh viên đều được xác định tư tưởng trước, người dân nếu đổ về viếng đông và sau thời gian trên thì tiếp tục ở lại phục vụ đồng bào cả nước về viếng Đại tướng, nên việc kéo dài quá 21 giờ theo kế hoạch ban đầu cũng không thành vấn đề. “Mấy ngày qua, các sinh viên tình nguyện đã túc trực tại tư gia của Đại tướng từ sáng tới tận đêm để đảm bảo an toàn cho lễ tang. Đến giờ, dù có mệt mỏi nhưng chúng em vẫn cố hết sức mình để góp một phần công sức vào buổi lễ lớn của Tổ quốc,” Thương tâm sự... Và chúng tôi biết, với họ, cho dù phải thức trắng một, thậm chí là hai đêm cũng chẳng thành vấn đề. Bởi trong tâm trí mỗi người, Tướng Giáp là một biểu tượng thiêng liêng nên việc được tiễn đưa người con ưu tú của đất Việt về cõi vĩnh hằng chính là một niềm vinh dự lớn lao./.
Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục