Không nổi tiếng và phát triển rầm rộ như những làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương)... nhưng làng gốm Bồ Bát (làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình) những năm gần đây đã được nhiều người biết đến.
Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, người dân làng gốm Bồ Bát đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vừa để duy trì, phát triển làng nghề, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Theo nhiều cụ cao niên trong làng, nghề làm đồ gốm đã xuất hiện tại địa phương này cách đây hơn 3.000 năm. Trong nhiều tài liệu sử sách còn ghi lại, cách đây hàng nghìn năm, làng gốm Bồ Bát đã nổi tiếng với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo phục vụ dân sinh và các loại gạch nung phục vụ xây dựng. Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, các nghệ nhân tại làng Bồ Bát theo triều đình về xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay.
Sau khi những nghệ nhân ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, những người ở lại chủ yếu làm nghề nông để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời và nghề gốm Bồ Bát đã bị thất truyền từ đó.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhằm bắt kịp xu thế thị trường, nhiều nghệ nhân trẻ tuổi trong làng đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nhằm khôi phục và phát huy truyền thống làng nghề.
Có dịp về thăm làng gốm Bồ Bát, chúng tôi đã ghé cơ sở sản xuất của hộ gia đình nghệ nhân Phạm Văn Vang (35 tuổi tại làng Bạch Liên), anh được coi là người đầu tiên mở xưởng gốm mang tên Bồ Bát với mong muốn gây dựng lại nghề gốm cổ truyền trên mảnh đất quê hương.
Giữa những tiếng môtơ ro ro quay đều đặn, tiếng trộn đất đều đều, anh Vang tâm sự, khi còn là học sinh, anh đã nhiều lần được nghe các nghệ nhân làm gốm từ Bát Tràng về quê ăn giỗ tổ chia sẻ kinh nghiệm, ôn lại lịch sử của tổ nghề nên đã cảm thấy rất phấn khích. Ý nghĩ mong muốn trở thành một thợ gốm giỏi đã nhen nhóm trong đầu chàng trai thôn quê. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Vang không thi đại học mà khăn gói ra Bát Tràng tìm gặp các nghệ nhân để học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa.
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn thuần là học để trở thành một thợ gốm giỏi để thỏa mãn niềm đam mê của mình và để giữ lấy cái nghề cổ của làng mình. Nhưng trong thời gian học nghề và làm nghề, ý nghĩ khôi phục thương hiệu gốm của quê hương đã lóe lên trong đầu và tôi muốn thực hiện ngay lập tức," anh Vang chia sẻ.
Nghĩ là làm, ngay khi học nghề thành thục, anh Vang đã thuê được lò riêng tại Bát Tràng để tự làm và bán các sản phẩm của mình. Ban đầu anh làm những sản phẩm nho nhỏ như chuông gió, đồ trang sức, móc chìa khóa, một số mẫu ấm chén, bát đĩa... và tự tay mang sản phẩm của mình đi giới thiệu khắp trong Nam, ngoài Bắc dưới tên “Gốm Bồ Bát."
Sau nhiều năm lăn lộn học nghề, làm nghề và dày công đi khắp nơi tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm, năm 2006 anh Vang đã trở về quê hương mở lò sản xuất gốm và lấy thương hiệu “Gốm Bồ Bát." Từ đây, thương hiệu của làng gốm cổ hàng nghìn năm bắt đầu được “hồi sinh."
Anh Vang cũng “bật mí” thêm, trong thời gian làm nghề tại Bát Tràng, anh đã mời thêm một số người thợ cùng quê ra đây và mở ra một dịch vụ mà khách du lịch hiện nay rất thích thú mỗi khi đến thăm làng nghề Bát Tràng, đó là dịch vụ “vuốt-nặn-vẽ” với sự tham gia trực tiếp của du khách, với sự hướng dẫn của người làng Bồ Bát, du khách tự tay làm những sản phẩm của mình theo ý thích và có thể nung để lấy luôn sản phẩm đó làm kỷ niệm.
Tại xưởng sản xuất của gia đình anh Vang tại quê hương Yên Mô, các thợ gốm đang tất bật cho công việc của mình, mỗi người một công đoạn trong không khí khẩn trương, tất bật. Theo những người thợ ở đây, để cho ra một sản phẩm hoàn thiện, người thợ phải trải qua hàng chục công đoạn bao gồm chọn đất, luyện, ép thành từng thỏi; sau đó tạo hình sản phẩm, phơi hoặc sấy khô sản phẩm thô, chỉnh sửa và chuốt qua cho mịn.
Tiếp đó, người thợ phải tỉ mỉ trang trí họa tiết, nung sơ trong lò với nhiệt độ ổn định ở mức 650 độ C, làm men, sửa men, cuối cùng là nung hoàn thiện và phân loại, đóng gói. Riêng công đoạn tạo hình sản phẩm là khâu khó nhất trong kỹ thuật sản xuất đồ gốm, được chia ra ba phương thức gồm tạo hình thủ công bằng tay, pha lỏng đất sét để rót vào khuôn hoặc được in bằng máy trên bàn in. Bên cạnh đó, công đoạn trang trí họa tiết cũng gồm ba khâu nữa là vẽ bằng mực, đắp nặn bằng đất và dán hình ảnh. Để hoàn thiện sản phẩm, người thợ phải cẩn thận trong từng động tác, từng khâu sản xuất, nếu chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ phải bỏ đi toàn bộ sản phẩm.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và về mặt bằng sản xuất nhưng anh Phạm Văn Vang đã và đang từng bước phục dựng thành công làng nghề gốm cổ Bồ Bát. Hiện tại, anh đã thành lập doanh nghiệp tư nhân mang tên Gốm Bồ Bát thường xuyên thu hút khoảng 20 thợ gốm làm việc với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng; doanh thu bình quân của cơ sở hàng tỷ đồng/năm.
Ghi nhận những thành công ban đầu của các hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề gốm Bồ Bát, năm 2014 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã cấp bằng công nhận nghề gốm cổ Bồ Bát là nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình. Bản thân anh Vang cũng đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân gốm cổ truyền” của tỉnh. Một tin vui nữa đến với hộ sản xuất Phạm Văn Vang cũng như những người dân khác trong làng khi anh Vang được nhận giải thưởng sáng kiến cấp tỉnh năm 2015.
Việc đưa các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô Hoa Lư vào các sản phẩm để tạo nét riêng cho sản phẩm của mình đã tạo nên nét riêng, độc đáo của gốm Bồ Bát. Hiện xưởng gốm của anh Vang tập trung vào mặt hàng gia dụng như bình hoa, bát đĩa, ấm chén, chuông gió, đồ trang sức... Sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, miền Nam.
Nối tiếp những thành công, gia đình anh Vang có dự định tới đây sẽ mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 5.000m2 ngay tại làng. Dự kiến, xưởng mới của gia đình anh Vang sẽ thu hút từ 70-100 thợ làm gốm của địa phương./.