Làng chè hàng trăm tuổi độc nhất thủ đô ở thôn Giếng Cốc

Những cây chè cổ có tuổi thọ hàng trăm năm đến nay vẫn được người dân thôn Giếng Cốc (Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội) chăm sóc, lưu giữ coi như bảo bối truyền đời của gia đình.
Làng chè hàng trăm tuổi độc nhất thủ đô ở thôn Giếng Cốc ảnh 1Cây chè trong vườn nhà ông Thư đã có tuổi đời 200 năm. (Ảnh: Phan Xâm/Vietnam+)

Cách đây 40 năm, người dân thôn Giếng Cốc (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn sống bằng nghề trồng chè. Đến nay, tuy chè không phải là cây trồng mang lại thu nhập chính, nhưng mỗi nhà đều giữ lại một vài cây như một nét văn hóa xa xưa.

Ông Nguyễn Hữu Thư (70 tuổi), một người dân thôn Giếng Cốc cho biết: “Cả làng có 250 hộ, nhà nào cũng trồng vài cây chè, cây trồng cách mấy chục năm, có cây từ hàng trăm năm trước, dân họ trồng để lưu giữ truyền thống. ​'Cụ chè' nhà tôi có tuổi đời 200 năm rồi”.

Ông Thư kể, trước kia thôn Giếng Cốc vốn là một quả đồi thoải, đất có 2 lớp, lớp đất màu bao phủ phía trên tầng đất đá ong, rất thích hợp với việc trồng chè. Vì thế thời đó, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây chè. Mỗi nhà đều có mảnh vườn trồng từ vài chục đến hàng trăm cây.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế từ cây chè giảm sút, người dân chặt và chuyển sang trồng bưởi diễn và những cây ăn quả khác.

Làng chè hàng trăm tuổi độc nhất thủ đô ở thôn Giếng Cốc ảnh 2Để hái chè, mỗi ngày ông Thư phải dùng thang. (Ảnh: Phan Xâm/Vietnam+)

Dù vậy, người dân vẫn quen với văn hóa uống chè xanh, nên mỗi nhà đều giữ lại ít nhất một cây, coi đó là bảo bối truyền đời.

“Uống chè xanh ở đây đã trở thành văn hóa hàng ngày. Dân Giếng Cốc thiếu gì được chứ không thể thiếu chè trong cuộc sống thường ngày. Chè cổ pha với nước giếng đá ong thì ngon tuyệt”.

Ông Thư chia sẻ, để có ấm chè ngon thì cần có kỹ thuật pha. Chè hái từ cây, rửa sạch bụi rồi cho vào ấm, rót nước sôi rồi để 3-4 tiếng mới uống. Như thế chè mới ngấm và không còn vị ngai ngái.

Ông Thư coi cây chè cổ ấy như là bảo bối được thừa kế từ ông cha nên rất trân trọng và tự hào. “Có trả giá cả tỷ tôi cũng không bán, tôi cũng sẽ truyền dạy cho con cháu điều này,” ông Thư cho biết.

Chè nơi đây có đặc điểm khác với những vùng trồng chè đại trà khác. Chè có vị đậm, ban đầu uống thấy chát, sau sẽ thấy có vị ngọt. Hơn nữa, chè ở đây không uống bằng lá búp, mà lá càng già uống càng ngon. Vì thế, cây chè phải có tuổi đời từ 15 – 20 năm mới có lá để uống. Chè ở đây rất dễ trồng, trong cả quá trình lớn lên của cây, người trồng không phải chăm bón bất kỳ loại chất dinh dưỡng nào.

Ông Nguyễn Văn Lương, người sở hữu 1 cây chè 200 tuổi và 1 cây chè 60 năm tuổi cho biết: “Cây chè cứ tự nhiên thế mà sống, lớn lên chứ không cần chăm bón. Nhưng vị chè vùng này lại ngon, đậm đà hơn hẳn những nơi khác. Vì thế, dân ở đây không chịu uống thứ chè nào khác, nếu cây không đủ lá thì sang hàng xóm xin uống tạm chứ nhất định không mua chè gói”.

“Nước chè có khả năng diệt khuẩn, chống sâu răng, viêm lợi. Nhiều người nói uống nước chè nhiều có thể phòng được các bệnh ung thư, giúp chắc thành mạch máu. Do đó, người dân nơi đây coi nước chè như thần dược, phòng được đủ các bệnh. Cũng vì thế mà họ luôn ý thức phải giữ gìn và bảo tồn.”

Làng chè hàng trăm tuổi độc nhất thủ đô ở thôn Giếng Cốc ảnh 3Chè thôn Giếng Cốc lá xanh đậm, giòn. (Ảnh: Phan Xâm/Vietnam+)

Cũng theo ông Lương, chè ở đây chỉ có thể dùng tay hái hoặc bẻ nhánh chứ tuyệt nhiên không được dùng dao, kéo, nếu dùng dao, kéo để cắt thì cây chè sẽ chết. “Không ai giải thích được tại sao các cụ chè lại kỵ với dao, kéo. Chỉ biết, nếu nhà nào dùng dao để cắt cành thì cây chè chè héo dần và chết,” ông Lương cho biết.

Chính vì thế, người dân thuộc nằm lòng nguyên tắc giữ gìn và bảo tồn các “cụ” chè bằng cách chỉ thu hái bằng tay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục