Làng cá chép đỏ Thủy Trầm sôi động mùa Tết "ông Công, ông Táo"

Vào những ngày cận Tết "ông Công, ông Táo," người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới, bắt cá.
Làng cá chép đỏ Thủy Trầm sôi động mùa Tết "ông Công, ông Táo" ảnh 1Người dân thôn Thủy Trầm thu hoạch cá chép đỏ. (Ảnh Tạ Toàn/TTXVN)

Năm nào cũng vậy, vào những ngày cận Tết "ông Công, ông Táo," người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại tất bật xuống ao quăng chài, thả lưới, bắt cá. Từ lâu, cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, đem lại đời sống sung túc cho người dân nơi đây.

Thủy Trầm là làng nhỏ ven sông Hồng có gần 600 hộ dân sinh sống, trong đó có tới 75% số hộ nuôi cá chép đỏ.

Ông Hà Công Vụ, trưởng khu 3, làng Thủy Trầm cho hay, để chuẩn bị lượng cá lớn phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết "ông Công, ông Táo", ngay từ đầu năm, người dân trong xã phải chuẩn bị ao, ươm cá giống. Do số ao nuôi trong khu giảm nên năm nay, lượng cá chép đỏ không đủ cung cấp cho thương lái.

Anh Ngọc Thanh, chủ cơ sở ươm nuôi cá chép đỏ tại làng Thủy Trầm cho biết, năm nay, cơ sở của gia đình anh bán hơn 100kg cá chép đỏ trưởng thành vào dịp Tết “ông Công, ông Táo” nhưng cũng không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo những người dân nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm, năm nay, do cung không đủ cầu, giá bán cao hơn các năm trước từ 30.000-40.000 đồng/kg. Hiện nay, bình quân mỗi hộ trong làng có từ 1 đến 2 ao nuôi cá chép đỏ, với giá bán dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, người nuôi cá có thu nhập bình quân khoảng 10 triệu-20 triệu đồng/hộ.

Làng Thủy Trầm vốn nổi tiếng là nơi nuôi, bán cá chép đỏ phục vụ Tết “ông Công, ông Táo” lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Vì thế, từ ngày 18-20 tháng Chạp, người dân làng Thủy Trầm đã gom cá vào lô (bể chứa cá), sẵn sàng chờ thương lái đến mua.

Làng cá chép đỏ Thủy Trầm sôi động mùa Tết "ông Công, ông Táo" ảnh 2Người dân thôn Thủy Trầm bắt cá đưa về bể chứa lớn, sẵn sàng phục vụ thương lái đến mua cá. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Sinh, khu 3, Thủy Trầm cho biết, để đánh bắt, vận chuyển đi hàng ngàn km mà cá vẫn khỏe, trước ngày thương lái đến mua, cá phải được gom vào lô, sau đó cho hệ thống máy sục oxy để cá khỏe, không bị chết…

Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm cho hay, nghề ươm nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hàng năm, từ ngày 18-20 tháng Chạp, thương lái khắp nơi lại về làng thu mua cá, đem bán tại các địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn... và nhiều tỉnh khu vực phía Nam.

Cá chép đỏ Thủy Trầm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, đồng thời tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm và bảo vệ thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm trên phạm vi toàn quốc.

Theo quan niệm của người dân, vào dịp Tết "ông Công, ông Táo," cá chép đỏ sẽ thay họ lên báo cáo Ngọc Hoàng, mong cho mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Người dân làng Thủy Trầm mong sớm được đầu tư xây dựng đường giao thông qua địa bàn để người dân làng nghề thuận lợi hơn trong vận chuyển cá chép đỏ đi khắp mọi miền đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục