Lancet: Thêm gần 1 tỷ người có thể bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt mỗi năm

Theo nghiên cứu của 24 tổ chức toàn cầu được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Lancet (Anh), trong giai đoạn từ nay đến 2050, mỗi năm có thể có thêm gần 1 tỷ người bị ảnh hưởng của sóng nhiệt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Từ năm 2000 đến năm 2016, mỗi năm có thêm khoảng 125 triệu người bị tác động của các đợt sóng nhiệt trên toàn cầu. Thông tin này cùng với những kết quả nghiên cứu hiện tại của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) cho thấy, có thể có thêm gần 1 tỷ người bị ảnh hưởng của sóng nhiệt mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến 2050.”

Đây là một trong những nghiên cứu ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng do biến đổi khí hậu từ 24 tổ chức toàn cầu đăng trên Lancet, vừa được Mạng lưới Báo chí biến đổi khí hậu và năng lượng công bố trong sáng 31/10/2017.

Nghiên cứu mới cho thấy biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng nổi cộm và là một cảnh báo y tế toàn cầu. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra những cách thức mà biến đổi khí hậu hiện đang tác động đến sức khỏe con người trên khắp hành tinh.

Các tác động sức khoẻ hiện tại liên quan đến biến đổi khí hậu được liệt kê trong báo cáo bao gồm: Năng suất lao động của người lao động nông nghiệp trên toàn cầu suy giảm trung bình 5.3% kể từ năm 2000 do nhiệt độ tăng lên. Năm 2016, hiện tượng này khiến 920.000 người trên toàn thế giới mất khả năng lao động.

Suy dinh dưỡng được xác định là tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người trong thế kỷ 21. Tác động liên quan đến biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp được đề cập trong báo cáo bao gồm sản lượng lúa mỳ toàn cầu giảm 6% và sản lượng lúa giảm 10% tương ứng với mỗi 1 độ C nhiệt độ toàn cầu tăng thêm.

[Nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục]

Hơn 803.000 trường hợp tử vong sớm và có thể tránh được ở 21 quốc gia châu Á xảy ra mỗi năm do ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than, giao thông và sử dụng các dạng nhiên liệu hóa thạch trong nhà.

Tính từ năm 1990 đến nay, chỉ hai chủng virus sốt xuất huyết đã tăng lần lượt 3% và 5,9% về khả năng lây truyền do các xu hướng về khí hậu. Với 50 đến 100 triệu ca sốt xuất huyết ước tính xảy ra mỗi năm, tình hình lan truyền của loại bệnh có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới này sẽ diễn ra trầm trọng hơn.

Các tác giả cũng khẳng định rõ rằng phản ứng cần thiết đối với biến đổi khí hậu sẽ tạo cơ hội để đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Những lợi ích và cơ hội tiềm năng diễn ra đan xen với nhau, bao gồm làm sạch không khí của các thành phố bị ô nhiễm, cung cấp nhiều chế độ dinh dưỡng bổ sung, bảo đảm năng lượng, an ninh lương thực và thực phẩm, giảm nghèo và bất bình đẳng về xã hội và kinh tế.

Tiến sĩ Anthony Costello, đồng Chủ tịch của Lancet Countdown và là Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu đang ở đây, nó đang xảy ra gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của hàng triệu người trên toàn thế giới. Triển vọng đầy thách thức, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để chuyển hóa vấn đề y tế cấp thiết này thành tiến bộ quan trọng nhất cho sức khoẻ cộng đồng trong thế kỷ này.

Những phát hiện khác của nghiên cứu cũng cho thấy nếu không có hành động cần thiết, hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sẽ cần phải di cư trong vòng 90 năm tới do nước biển dâng vì băng tan.

Khoảng 87% số các thành phố được chọn ngẫu nhiên đã vi phạm các hướng dẫn của WHO về ô nhiễm không khí. Điều này có nghĩa rằng hàng tỷ người trên khắp thế giới sẽ phải tiếp xúc với các mức độ không an toàn các phân tử bụi mịn (PM) ở các mức cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục