Lancet: Không ai có thể an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu

Nghiên cứu mới cho thấy có tới 19% diện tích đất trên Trái Đất đã bị ảnh hưởng do nạn hạn hán nghiêm trọng trong năm 2020 và hơn 2 tỷ người trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thực.
Lancet: Không ai có thể an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu ảnh 1Một cánh đồng khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài tại Diyala, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hoạt động khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 dựa vào nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra những hậu quả về lâu dài đối với sức khỏe con người và làm trầm trọng nguy cơ về mất an ninh lương thực và nước sạch.

Những cảnh báo này được đưa ra trong nghiên cứu do tạp chí Lancet công bố ngày 21/10. Đây là báo cáo phân tích hằng năm có quy mô lớn nhất của tạp chí Lancet về sự tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.

Nghiên cứu này nhận thấy có tới 19% diện tích đất trên Trái Đất đã bị ảnh hưởng do nạn hạn hán nghiêm trọng trong năm 2020 và biến đổi khí hậu đã gây ra mối đe dọa lớn đối với tình hình an ninh lương thực. Theo thống kê chính thức, hơn 2 tỷ người trên thế giới đang đối mặt với mất an ninh lương thực.

Số liệu của tạp chí Lancet cho thấy so với mức trung bình trong lịch sử, những người trên 65 tuổi trên thế giới đã phải trải qua thêm 3,1 tỷ ngày nắng nóng gay gắt.

Theo nhóm nghiên cứu, người dân tại 134 quốc gia đang đối mặt với các nạn cháy rừng với mức độ lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó, trong khi thu nhập của hàng triệu nông dân và công nhân xây dựng bị giảm do số ngày nắng nóng gay gắt gia tăng.

[Biến đổi khí hậu: Thế giới vẫn có cơ hội tránh kịch bản “khủng khiếp"]

Không chỉ vậy, tình trạng biến đối khí hậu còn tạo ra các điều kiện "lý tưởng" cho các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika, bệnh dịch tả hay sốt rét bùng phát trên quy mô lớn hơn trong nhiều thập kỷ trở lại đây, trong đó có châu Âu.

Nghiên cứu còn phát hiện ra rằng trong vòng năm năm kể từ năm 2015, hầu hết các khu vực trên thế giới đều hứng chịu nạn hạn hán nghiêm trọng. Nguyên nhân là bởi sự gián đoạn về vòng tuần hoàn của nước do tình trạng ấm lên toàn cầu đã rút ngắn thời kỳ tăng trưởng của cây trồng. Điều này dẫn tới sản lượng cây trồng sụt giảm, gây áp lực ngày càng lớn đối với sản xuất lương thực.

Đáng chú ý hơn, báo cáo còn cảnh báo gần 75% quốc gia tham gia khảo sát cho biết không đủ khả năng thực hiện chiến lược tổng thể về khí hậu và sức khỏe.

Bà Maria Romanello, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định cứ mỗi ngày, con người trì hoãn ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn và đã đến lúc nhận ra rằng không ai có thể an toàn trước sự tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục